Đến 9 giờ sáng 27-10, thời tiết Đà Nẵng nắng ấm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đây là dấu hiệu của trận cuồng phong sắp đổ bộ vào đất liền nên người khẩn trương chạy đua chống bão.
Clip: Công an, dân phòng giúp ngư dân đưa thuyền thúng lên bờ
Ghi nhận tại bãi biển Mân Thái, từ 7 giờ sáng, lực lượng chức năng quận Sơn Trà phối hợp cùng lực lượng Bộ đội biên phòng đã hỗ trợ đưa ghe, thuyền của người dân lên bờ để tránh bão số 9 được dự đoán đổ bộ vào đất liền sáng ngày 28-10.
Ngư dân Nguyễn Văn Ly thu dọn ngư lưới cụ để tránh trú bão số 9
Ngư dân Nguyễn Văn Ly (SN 1969, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) nhận định, thời tiết nắng ấm tại thời điểm này nhiều khả năng do bão lớn đã hút gió và mây vào tâm bão. "Mọi người đừng thấy nắng đẹp mà nghĩ là bão tan, phải hết sức cảnh giác. Tôi và nhiều ngư dân khác không chủ quan nên đã đưa thuyền thúng lên bờ để trú bão, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản" – ông Ly cho hay.
Dọc tuyến đường biển, nhiều tiểu thương, hộ dân cũng đang gấp rút đưa tài sản lên bờ để tránh bão. Bà Nguyễn Thị Hà (trú phường Mân Trà, quận Sơn Trà) thuộc tổ dịch vụ kinh doanh số 5 biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) cho hay tiểu thương như mình chịu thiệt đơn, thiệt kép do mùa Covid-19 và mưa bão.
"Đợt mưa bão vừa rồi cũng đã hư rất hại rất nhiều, tôi lo đến ngủ không được, bây giờ mà hư hại thì cũng không có tiền để tu sửa. Dịch, bão, lụt… một thời gian dài chúng tôi không có khoản thu, hộ nào cũng trong tình trạng "đói". Khổ lắm con ơi…", bà Hà than thở.
Tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), người dân vừa dọn lũ xong lại phải tiếp tục căng sức sửa chữa, gia cố lại nhà cửa khi "siêu bão" đang dần đến.
Anh Nguyễn Văn Thuận (trú xã Hòa Tiến, huyên Hoà Vang) cho biết mình đã mua hơn 20 bao cát để chằn lên các mép của mái tôn, hy vọng sẽ không bị tốc mái trong đợt bão này.
Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão
Trước đó, tại cuộc họp khẩn bàn phương án ứng phó với bão số 9 chiều 26-10, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí Thư Thành ủy TP Đà Nẵng đã yêu cầu phải sơ tán người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiên cố, nhà tạm. Dự kiến số lượng người sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 12-13 là 35.229 hộ, với tổng số hơn 140.868 người.
Đặc biệt, bí thư Đà Nẵng yêu cầu UBND TP ban hành thông báo cấm người dân và các phương tiện lưu thông trên đường từ chiều tối ngày 27-10 để đảm bảo an toàn.
"Phải ra lệnh cấm là để đảm bảo an toàn cho người dân. UBND TP lựa chọn thời điểm yêu cầu rất rõ là người dân không được ra đường, phương tiện không được lưu thông vào những thời điểm nhất định", Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 27-10, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Đưa thuyền thúng lên bờ
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 28-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165 km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 29-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở 15,4 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Người dân dùng bao cát để chằn chống nhà cửa tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)
Lực lượng chức năng tiếp tục vận động ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn, không ở lại trên thuyền bè khi bão đến
Tiểu thương dọc tuyến biển Đà Nẵng gấp rút đưa tài sản lên bờ
Tiểu thương dọc tuyến biển Đà Nẵng gấp rút đưa tài sản lên bờ
Người dân dùng bao cát để chằn chống nhà cửa tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)
Bình luận (0)