Từ 6 giờ ngày 17-5, TP Đà Nẵng tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, xe công nghệ (bao gồm Grab Car và Grab Bike); dừng hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng bằng xe 2 bánh, xe thô sơ, xe máy.
Thực hiện theo 5 nội dung
Việc tạm dừng các hoạt động trên nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng khi TP Đà Nẵng có ca mắc Covid-19 là tài xế xe công nghệ. Đó là bệnh nhân 3880 (nam, 26 tuổi; trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), bị phát hiện mắc Covid-19 vào chiều 15-5.
Sau lệnh tạm dừng trên, hầu hết tuyến đường nội thị và vùng ven TP Đà Nẵng khá vắng lặng, thưa thớt người qua lại. Khoảng hơn 50% hàng quán phục vụ ăn uống tự đóng cửa do số lượng khách ít. Việc giao nhận hàng cũng không hoạt động mà phần lớn là người dân tự đến mua hàng. Người dân ý thức hơn việc hạn chế ra đường nếu không thực sự cần thiết.
Sau khi xuất hiện những ca mắc liên quan đến các ổ dịch như tại vũ trường New Phương Đông, thẩm mỹ viện Amida và Công ty Trường Minh (KCN An Đồn)…, TP Đà Nẵng tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu, những khu vực có nguy cơ tập trung đông người; phát thẻ đi chợ cho người dân. Đồng thời, ngành y tế TP Đà Nẵng đã thực hiện biện pháp xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng. Đầu tiên là xét nghiệm cho các đối tượng làm việc ở các quán bar, vũ trường, karaoke, massage…; tiếp theo là người kinh doanh buôn bán tại các chợ trên địa bàn, các hộ buôn bán nhỏ, tài xế taxi, Grab.
Nhận định nguồn lây Covid-19 cao nhất là từ các dịch vụ ăn uống, vận chuyển, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho rằng việc tạm dừng các hoạt động trên là biện pháp cấp thiết nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng xuống mức thấp nhất.
Theo bà Yến, trong thời gian tới, TP Đà Nẵng tiếp tục bám sát 5 nội dung trọng tâm trong phòng chống dịch. Đó là ngăn chặn; kịp thời phát hiện; xét nghiệm nhanh, cách ly và khoanh vùng dập dịch; điều trị kịp thời. Trong đó, dự kiến chậm nhất vào ngày 19-5, TP Đà Nẵng sẽ triển khai xét nghiệm trên diện rộng theo hộ gia đình để sàng lọc, phát hiện sớm mầm bệnh trong cộng đồng.
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng
Không tụ tập quá 5 người nơi công cộng
Ngành y tế, chính quyền địa phương và cả người dân TP Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch, nhất là từ làn sóng bùng phát dịch Covid-19 đợt 2 tại TP này. Quy trình chống dịch của TP Đà Nẵng cũng thực hiện chặt chẽ theo 5 nội dung nói trên.
Nhờ vậy, hiện nay, các địa phương, nhất là đội truy vết của các trung tâm y tế phường, đã chủ động hơn trong quá trình khoanh vùng F1, F2. Bà Hồ Đàm Như Nga - Chủ tịch UBND phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng - chia sẻ cách làm: "Khi có thông tin về F0 là chúng tôi lập tức đi khoanh vùng, vào từng ngõ, gõ từng nhà để điều tra dịch tễ F1 lẫn F2. Khi đã có lịch trình F1 và F2, nếu trường hợp F1 trở thành F0 thì lúc đó không cần phải đi truy vết F1 nữa vì đã có lịch trình từ F2 trước đó".
Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng tiên phong trong việc lấy mẫu xét nghiệm gộp để tiến tới sàng lọc nhanh, khoanh vùng rộng rất hiệu quả. Từ việc gộp 5 mẫu xét nghiệm, Đà Nẵng đã nâng lên thành gộp 10 mẫu để tăng tốc truy vết. Nhờ cách này, chỉ riêng ngày 13-5, toàn TP đã lấy được gần 23.000 mẫu xét nghiệm, con số kỷ lục so với cả các đợt dịch trước.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá việc người dân đồng thuận cao với những giải pháp mà TP đưa ra đã góp phần mang lại hiệu quả phòng chống dịch. Chính vì thế, TP chưa thực hiện các biện pháp cách ly xã hội.
Hiện tại, TP Đà Nẵng đã cấm tụ tập quá 5 người ở nơi công cộng; kêu gọi người dân không nên tổ chức tập trung, ăn uống trong phạm vi gia đình đông người vì nguy cơ dịch lây lan là rất lớn.
Thủ tướng khen xét nghiệm gộp của Đà Nẵng
Ngày 17-5, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP vì đã có thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
CDC Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm gộp 5 mẫu. Nhờ triển khai hình thức này, trong lần bùng phát dịch đợt 2, TP Đà Nẵng chỉ tốn 12 tỉ đồng thay vì hơn 55,4 tỉ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn. Năm 2021, CDC Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10. Phương pháp này giúp tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm mẫu đơn và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, giúp phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng.
Bình luận (0)