Ngày 17-5, tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất - kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra từ năm 2016. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Cần cơ chế đặc thù để phát triển
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khẳng định sau 2 năm xảy ra sự cố, đến nay chất lượng nước biển đã đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nguồn lợi thủy sản đã được hồi phục, nhiều loài cá tầng nổi đã xuất hiện trở lại, sản lượng đánh bắt và giá cả hải sản 4 địa phương này tăng, du lịch biển phục hồi.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết từ cuối năm 2017, bộ này đã tổ chức 5 đợt giám sát với 3.911 mẫu hải sản, trong đó có 3.726 mẫu giám sát và 185 mẫu đối ứng tại 15 điểm để kiểm nghiệm, đánh giá an toàn thực phẩm tất cả loài hải sản, đặc biệt là tầng đáy trong vùng biển 20 km trở vào bờ. "Kết quả giám sát tại 4 địa phương, kể cả vùng biển Sơn Dương (Hà Tĩnh), đều tương đương với mẫu hải sản các vùng biển đối chứng và bảo đảm an toàn" - bà Tiến kết luận.
Kết quả phân tích 10 mẫu nước bề mặt và 10 mẫu trầm tích biển tại khu vực xả thải của Formosa mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng cho thấy hầu hết các giá trị thông số đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của các quy chuẩn Việt Nam.
Đến nay, 4 địa phương trên đã được chi trả bồi thường, hỗ trợ hơn 6.430 tỉ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng, đạt trên 99,1%, trong đó Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành 100%. Bộ Y tế đã cấp 237.781 thẻ BHYT với kinh phí gần 119 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tạm cấp 62,9 tỉ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên; công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm đã được triển khai đồng bộ...
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển, khẳng định hiện Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương 4 tỉnh đang triển khai đề án Hậu cần nghề cá; tái tạo phục hồi hệ sinh thái, quan trắc môi trường biển để phục vụ phát triển sinh kế ngư dân. "Cần cho phép dùng cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân" - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Formosa đã đi vào sản xuất, bảo đảm an toàn. "Sự cố này là bài học rất đắt giá về thu hút đầu tư các dự án lớn. Không được đánh đổi môi trường, xem đây là nhân tố tiên quyết" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tại hội nghị, đại diện 4 địa phương cũng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh công tác phục hồi hệ sinh thái biển, có cơ chế đặc thù để nhanh chóng đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và tăng cường giám sát đối với các dự án, tránh xảy ra tình trạng xả thải ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng việc phục hồi tái tạo hệ sinh thái biển, trong đó là khôi phục rạn san hô rất khó, lâu dài. Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ưu tiên nguồn vốn trung, dài hạn để đầu tư vùng biển, khu kinh tế, khu du lịch; nhanh chóng hướng dẫn cơ chế đặc thù dự án hậu cần nghề cá.
Cảng Cửa Việt (Quảng Trị) đã tấp nập tàu cá vào ra nhập hàngẢnh: HÀ PHONG
Công khai thông tin để người dân giám sát
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung vừa qua là sự cố lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta, ảnh hưởng nặng nề đến người dân 4 tỉnh. "Hôm nay, chúng ta rất vui mừng khi Bộ Y tế chuyển tải thông tin khẳng định hải sản ở khu vực biển miền Trung đã an toàn" - Thủ tướng nói. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra mặt tồn tại như việc chi trả bồi thường cho người dân còn chậm, dẫn đến việc có một số trường hợp gửi đơn thư khiếu nại; xử lý bồi thường hải sản lưu kho còn vướng, công tác phối hợp cung cấp thông tin đến người dân cần mạnh mẽ hơn...
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và 4 địa phương tiếp tục giải quyết vướng mắc chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân; hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán để công khai, minh bạch; hỗ trợ y tế, học phí, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động...
"Đối với các ý kiến ngư dân, địa phương cần nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền và đề xuất lên trung ương nếu vượt quá thẩm quyền. Riêng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng sử dụng cơ chế đặc biệt là vốn thiên tai" - Thủ tướng yêu cầu.
Mỗi chuyến ra khơi đều có lãi
Ông Bùi Đình Mười, chủ tàu cá QT- 93368 TS, cho biết khi sự cố môi trường xảy ra, công việc của ông gặp rất nhiều khó khăn. "Tuy nhiên, tôi được hỗ trợ, đền bù 110 triệu đồng, một phần tôi chia cho bạn thuyền, còn lại mua sắm ngư lưới cụ để vươn khơi. Thời gian này cá tôm đã nhiều trở lại nên việc đánh bắt rất thuận lợi, mỗi chuyến ra khơi trở về đều có lãi" - ông Mười nói.
Nước thải, khí thải của Formosa đạt quy chuẩn
Bộ TN-MT cho hay Công ty Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính. Riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, công ty đã lựa chọn công nghệ làm nguội than cốc khô của Nhật Bản và dự kiến, tháng 6-2019 hoàn thành 2 hệ thống. Formosa cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc, bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải trước khi tái sử dụng. Đồng thời, công ty phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia… thực hiện kế hoạch cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, với tổng kinh phí hơn 343 triệu USD.
"Nước thải, khí thải của Formosa Hà Tĩnh trước khi xả ra ngoài môi trường đều đạt quy chuẩn cho phép. Thông số xyanua và phenol trong trầm tích biển có nồng độ rất thấp so với quy chuẩn Việt Nam quy định" - Bộ TN-MT khẳng định.
T.Dương
Bình luận (0)