55 kiều bào từ 19 quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Ba Lan, Czech, Úc, Nga, Hàn Quốc... vừa có chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/20 dài 9 ngày.
Tại đảo Sơn Ca, điểm đến đầu tiên của hải trình và tại đảo Trường Sa - "trái tim của quần đảo Trường Sa", kiều bào đã cùng quân và dân trên đảo tiến hành lễ chào cờ.
Lễ chào cờ ở đảo Sơn Ca
Đó là những lễ chào cờ đặc biệt ở những địa điểm rất đặc biệt. Trong nắng và gió Trường Sa, lễ chào cờ được tiến hành trang nghiêm và xúc động. Lễ chào cờ không cử nhạc, lời hát quốc ca vang lên hào hùng dưới cờ Tổ quốc, bên cột mốc chủ quyền.
Sau đó, sĩ quan đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân và sau mỗi lời thề, các quân nhân đồng thanh hô "Xin thề". Tại đảo Trường Sa, sau lễ chào cờ có thêm lễ duyệt binh.
Video clip chào cờ trên đảo Sơn Ca
Sau 2 ngày trên tàu, vượt qua 380 hải lý, đặt chân lên với điểm đảo đầu tiên của hải trình tới thăm quần đảo Trường Sa - Đảo Sơn Ca, bà Nguyễn Thị Kiệm, kiều bào Ukraine, cho biết bà cùng chồng là ông Phạm Văn Dân vô cùng vinh dự và may mắn khi được tham gia hành trình này. Chuyến đi có ý nghĩa hết sức đặc biệt với hai vợ chồng vì cả hai người từng là quân nhân trước khi sang Ukraine định cư. Bà Kiệm từng là bộ đội thông tin về sóng điện thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, còn ông Dân từng chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang.
"Với chúng tôi, đây là một hành trình đầy cảm xúc, đặc biệt khi dự lễ chào cờ trên đảo Sơn Ca, tôi cảm thấy trong tim mình tuổi trẻ trào dâng trở lại. Những ngày đó, mỗi sáng chúng tôi đều chào cờ, hát vang Quốc ca, nghe lời dạy của Bác. Mấy chục năm trôi qua, giờ được dự một lễ chào cờ như thế này, tôi thấy tim mình như run lên, chân tay tôi giờ vẫn còn run, những cảm xúc từ trái tim trước sự thiêng liêng của ngọn cờ Tổ quốc. Chúng tôi không thể không rơi nước mắt. Trong tôi, bên cạnh cảm xúc của người quân nhân còn có tình cảm đồng đội, đồng chí với lớp con cháu. Đây là một cảm xúc lớn lao, tuyệt vời mà tôi sẽ không bao giờ quên"- bà chia sẻ.
Cũng trong chương trình làm việc tại đảo Sơn Ca, đoàn công tác đã đến dâng hương khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm chùa Sơn Linh.
Hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
Những chuyến xuồng đưa đoàn đại biểu từ tàu KN 490 của lực lượng kiểm ngư Việt Nam vào thăm đảo Sơn Ca
Các chiến sĩ trên đảo đón chào đoàn kiều bào và các đại biểu trong đoàn công tác
Đảo Sơn Ca hôm nay
Cột mốc chủ quyền trên đảo Sơn Ca
Nụ cười của chiến sĩ đảo Sơn Ca
Sĩ quan quân y trên đảo Sơn Ca
Trang nghiêm, hào hùng lễ chào cờ trên đảo Sơn Ca
Thầy Thích Nguyên Hoà, trụ trì chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca, cùng tham gia lễ chào cờ
Các Việt kiều và đại biểu đoàn công tác trong lễ chào cờ trên đảo Sơn Ca
Thắp hương tại khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca
Ông Phan Văn Tùng, Việt kiều Đức, trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo
Đảo Sơn Ca hình bầu dục, nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Ấn tượng đầu tiên về đảo Sơn Ca là một màu xanh tươi trẻ của những tán bàng quả vuông, phong ba, mù u, sồi, phi lao... Nhiều cây sống lâu năm, lá sum sê, rợp bóng mát, rất thích hợp với điều kiện sinh sống của loài chim sơn ca. Do nhu cầu bản năng, chim sơn ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên người ra đặt tên cho đảo là Sơn Ca. Một số loài cây do cán bộ, chiến sĩ mang từ đất liền ra đảo, lâu ngày phù hợp với điều kiện thời tiết, thiên nhiên của đảo nên phát triển tốt, xanh mát quanh năm. Có thể nói, cùng với Song Tử Tây, Sơn Ca là một trong hai đảo có thảm thực vật phong phú, xanh tốt.
Xung quanh đảo có một số loài chim, nhiều hơn cả là chim sơn ca và một số loài chim di cư theo mùa; phía sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài ốc, hải sâm, cá quý như: Chim, thu, ngừ, mú và một số loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Mùa sóng yên biển lặng, tàu thuyền ngư dân các địa phương ven biển Việt Nam và các nước trong khu vực đến đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản tương đối đông đúc. Một số loài cá xuất khẩu mang lại lợi nhuận kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá mú.
Ở đây có mùa hè mát, mùa đông ấm, song gió mùa hoạt động mạnh, mang hơi nước từ biển gây hư hại trang thiết bị, vũ khí và sinh trưởng của cây cối.
Bình luận (0)