Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 25-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
9 tháng, tiếp 29 đoàn thanh tra
ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu tại một địa phương, trong 9 tháng đầu năm đã tiếp và làm việc với khoảng 29 đoàn thanh tra. Điều đó ít nhiều đã làm hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn bị ảnh hưởng, bởi bình quân một cuộc thanh tra có thời gian từ 10 đến 30 ngày. Từ thực tế trên đặt ra yêu cầu lần sửa đổi này phải giải quyết được những vấn đề còn bất cập để có thể phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước nhưng không làm lãng phí nguồn lực, thời gian và sự chồng chéo như hiện nay.
Cũng nêu về việc trên, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH, cho biết trong dự thảo luật, cụm từ "không chồng chéo, trùng lặp" được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy tuy không trùng về nội dung, về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra và ngoài ra còn có thể có các cuộc kiểm toán, kiểm tra về địa phương. "Đoàn này đi, đoàn khác tới, cho nên thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu để phục vụ các đoàn quá nhiều, ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động của địa phương" - bà Thúy nói.
Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị nên chăng quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong một năm đối với bộ, ngành, địa phương, tại điều 43 về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, bởi thực tế thời gian qua cho thấy một số địa phương đã có quy định không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành đối với các DN trên địa bàn. Quy định này được DN đánh giá cao bởi vì họ sẽ dành nhiều thời gian cho sản xuất, kinh doanh.
Về ban hành kết luận thanh tra tại điều 76, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề: Nếu hết thời hạn quy định mà vẫn chưa ban hành kết luận thanh tra thì sao? Hiện điều này trong dự thảo luật còn bỏ trống. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, DN đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành kết luận thanh tra từ 1 năm đến hơn 6 năm theo Luật Thanh tra hiện hành. "Mà chậm cũng không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra? Đây là lần thứ hai tôi phát biểu, dù trên các diễn đàn khác nhau, tôi đề nghị nếu không tiếp thu thì cần phải giải trình làm rõ" - ĐB Thúy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy góp ý về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)Ảnh: PHẠM THẮNG
Duy trì thanh tra cấp huyện
Thảo luận tại QH, đa số ý kiến đại biểu tán thành tiếp tục giữ thanh tra huyện. Nghĩa là, giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng những bất cập hiện nay đối với thanh tra cấp huyện không phải là do thiết chế không phù hợp mà do có nơi chưa được quan tâm, bố trí nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nếu không có thanh tra huyện sẽ giảm được đầu mối cơ quan chuyên môn của huyện nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là việc giải quyết về khiếu nại, tố cáo, thanh tra ở cấp cơ sở. Vì vậy, duy trì cấp thanh tra huyện là rất cần thiết.
Đối với việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, theo ĐB Phạm Văn Hòa, đây là điều cần thiết và không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy, vì hiện đã có. Tuy nhiên, không nhất thiết cục thuộc bộ, ngành nào cũng có thanh tra, mà phải có các tiêu chí, nguyên tắc cụ thể và do Chính phủ quy định. Tương tự, với thanh tra sở, không nhất thiết sở nào cũng phải có cơ quan thanh tra, mà tùy theo tính chất, nhiệm vụ của mỗi tỉnh mà UBND tỉnh sẽ quyết định thành lập.
Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng đồng tình có phân cấp cho UBND tỉnh quyết định việc thành lập thanh tra sở. Tuy nhiên, cần quy định ngay trong luật về tiêu chí, điều kiện thành lập để thống nhất chung toàn quốc. "Quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi, cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau" - bà Tâm nói.
Tiếp thu, làm rõ ý kiến các ĐBQH, ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết việc phân cấp cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành lập thanh tra sở là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, dự thảo luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như: Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu Chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra này.
Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán nhà nước, ông Đoàn Hồng Phong cho biết tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo luật quy định rõ mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hằng năm do bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đấu giá biển số ôtô
Hôm nay, 26-10, QH thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Bình luận (0)