Vấn đề thực thi công vụ trong phòng, chống Covid-19 thời gian qua đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch của Kỳ họp thứ 2 sáng 8-11.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng thực thi công vụ về phòng, chống dịch còn bất cập ở nhiều nơi. Bà dẫn chứng về việc Chính phủ chỉ đạo thống nhất lưu thông hàng hoá, không ban hành giấy phép con, nhưng một số địa phương vẫn đặt ra yêu cầu cao, quá mức cần thiết, gây cản trở, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa băn khoăn về vấn đề thực thi công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19
Bên cạnh đó, còn có địa phương chưa tạo điều kiện người dân từ thành phố lớn về quê chống dịch. Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan chống dịch.
Vị đại biểu băn khoăn đây có phải là căn bệnh trầm kha ở một số nơi và nhắc đến việc cán bộ đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch, tuy nhiên khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực. Bên cạnh đó, có trường hợp xô xát giữa cán bộ và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, hoặc có cán bộ xa rời thực tế như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu.
Ngoài ra, có nơi quá cứng nhắc, lạm quyền với người dân nên có cách hành xử không phù hợp như vào nhà dân bắt ép một phụ nữ đi xét nghiệm. “Những vấn đề này tạo ra hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín của chính quyền. Tôi cho rằng với bất kỳ vấn đề gì thì cán bộ phải nêu gương, chấp hành trước”- đại biểu Hoa nêu quan điểm.
Vị đại biểu tỉnh Nam Định nhấn mạnh bài học rút ra là bất cứ việc gì cũng cần tạo đồng thuận của người dân. Theo bà, nếu người dân chưa hiểu thì tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Các quyết sách đưa ra phải cân nhắc trên cơ sở sức khỏe, quyền, lợi ích của người dân. "Nếu người dân vi phạm quy định chống dịch thì đã có các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tránh hành động cảm tính, bất chấp quy định. Biện pháp gì cũng phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng, lợi ích hợp pháp của người dân"- đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu trước Quốc hội.
Thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, bà Mai Thị Phương Hoa ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách "không Covid". Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với Covid-19.
"Vì vậy, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch" - đại biểu Hoa kiến nghị.
Tham gia thảo luận, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.
Vị đại biểu kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công nhân, viên chức các ngành, các cấp, nhất là cán bộ cơ sở và các tình nguyện viên, khi làm nhiệm vụ mà mất do Covid-19, những người tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng việc xã hội hoá trong công tác phòng, chống dịch cần được thực hiện thống nhất, có hành lang pháp lý, cơ chế rõ ràng để huy động, kiểm soát. Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng đề nghị phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực trong một số hoạt động từ thiện thời gian qua.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xem xét lại cơ chế chính sách để tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, phát huy tốt vai trò chủ động, sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát, ban hành quy định kịp thời thống nhất, luật hóa các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ xã hội.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã đưa tin, vào cuối tháng 7-2021, ông Nguyễn Công Thành, khi đó đang giữ chức Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, đã đi chơi golf dù tỉnh đã có thông báo tạm dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn để phòng chống dịch, trong đó có sân golf để phòng chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý, do đi đánh golf, tiếp xúc gần với một nhân viên sân golf dương tính với SARS-CoV-2 nên ông Thành thuộc diện F1, phải đi cách ly tập trung. Cùng đi đánh golf với ông Thành thời điểm đó còn có ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, và chủ 2 doanh nghiệp khác.
Sau đó, ông Nguyễn Công Thành đã có báo cáo kiểm điểm gửi Cục thuế tỉnh Bình Định khi kết thúc thời gian cách ly tập trung. Cụ thể, ông Thành đã gửi bản kiểm điểm cá nhân kèm theo giấy mời với nội dung "Tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch theo Đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc-xin bằng các chuyến bay thẳng charter đến Bình Định". Giấy mời này do Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch Bình Định phát hành, ghi ngày 30-7-2021.
Hiện, ông Nguyễn Công Thành đã bị miễn nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định.
Bình luận (0)