Sáng ngày 5-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã nghe tờ trình về Luật Nhà ở (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư ở các đô thị lớn, Ủy ban Pháp luật cho rằng dự thảo cần phải tháo gỡ bốn "điểm nghẽn" lớn, như: Trình tự, thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; việc lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; thống nhất phương án bồi thường, tái định cư sau khi lựa chọn được chủ đầu tư; trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ và bổ sung một số nội dung như: Việc cưỡng chế di dời cư dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ tác động trực tiếp đến các quyền hiến định (quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền sở hữu nhà ở…) nên cần phải quy định trong Luật. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xác định trong Luật tỷ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu căn hộ chung cư; bổ sung quy định sau một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ mà không thống nhất được phương án thì việc bồi thường, tái định cư thực hiện theo phương án do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các nguyên tắc bồi thường, tái định cư đã được Luật Nhà ở quy định.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tính chất đặc thù của các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để xây dựng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phù hợp, tránh chồng chéo, trùng lặp, làm tăng chi phí tuân thủ và kéo dài thời gian xem xét chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trường hợp có nội dung khác với quy định của các luật về đầu tư, đầu tư công thì xác định cụ thể việc áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi, sớm triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang ách tắc tại các đô thị lớn hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Phát biểu thảo luận tại tổ TP Hà Nội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ băn khoăn việc đặt tên, tên gọi tại các khu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp; nhà tái định cư; nhà ở xã hội.
"Không nên ghi tên, treo biển tại các khu nhà ở này, bởi những cái tên như: Khu nhà ở cho người nghèo, khu nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội... là phản cảm, là thiếu tôn trọng với cư dân ở đó. Việc đặt tên như vậy cũng sẽ khiến giá nhà ở những khu vực này bị mất giá. "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", có thể sau này con cháu họ có điều kiện hơn, họ không muốn ở khu vực này nữa..." - đại biểu Trí nêu.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng không nên dùng các tên như chức năng của nó, mà nên dùng tên khác đi, nhẹ nhàng, mềm mại hơn, như tên hoa, tên địa danh...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, phát biểu. Ảnh: B.H.Thanh
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần có sự quan tâm đúng mực, trách nhiệm và nhân ái cho những đối tượng này. Đồng thời, cần quan tâm đến chất lượng xây dựng các dự án, bởi theo đại biểu Trí, có nhiều dự án chất lượng kém, "lấy tay cào cào có thể bóc cả mảng tường"...
Tại tổ Hà Nội, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề hạn sử hữu nhà chung cư. Nhiều đại biểu đề nghị cần phải có niên hạn với nhà ở chung cư.
Bình luận (0)