Sáng 19-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng
Phát biểu thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn ĐBQH TP HCM) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của các ĐBQH. ĐB Hạnh cho rằng tại khoản 19 điều 3 có đề cập đến khái niệm thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở.
Theo đó, thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, cùng thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung hoặc trên đất thuê, đất mượn và cùng tham gia quản lý, sử dụng nhà ở đó.
Tuy nhiên, trong các quy định của dự thảo luật thì không đề cập đến khái niệm này, ĐB đề nghị xem xét tính cần thiết của việc quy định khái niệm này tại điều 3 về giải thích từ ngữ.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Ảnh: Phạm Thắng
Theo vị ĐB đoàn TP HCM, về hành vi nghiêm cấm, tại điều 5 của dự thảo luật có quy định về việc áp dụng cách tính sai diện tích nhà ở. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập, quy định đến cách tính diện tích nhà ở. Đồng thời, nếu xác định đây là hành vi vi phạm, cần làm rõ ý thức chủ quan, yếu tố lỗi trong việc áp dụng cách tính sai diện tích để làm cơ sở xác định đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Về công nhận quyền sở hữu nhà ở, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị rà soát lại quy định để bảo đảm thống nhất, không mâu thuẫn, xác định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được cấp loại giấy chứng nhận gì? ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng nên thống nhất lại theo quy định tại điều 22 là phù hợp.
ĐB Trần Chí Cường (đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết liên quan đến vấn đề về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tại điều 19, điều 20 và điều 22 của dự thảo luật, dự luật chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không.
ĐB cho rằng nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và khoản 1, điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
ĐB Trần Chí Cường. Ảnh: Phạm Thắng
Theo ĐB Cường, liên quan đến nội dung này, tại điểm c, khoản 1, điều 19 quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và khoản 3, điều 21 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, ĐB Trần Chí Cường cho rằng quy định như vậy cần phải nghiên cứu, cân nhắc.
Đặc biệt lưu ý đến việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không? Việc quy định như dự thảo luật có xung đột với các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không?
Theo ĐB Cường, để bảo đảm tính khả thi, nội dung này cần phải được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18 và thống nhất, đồng bộ các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu thảo luận, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.
ĐB Phạm Văn Hoà. Ảnh: Phạm Thắng
Về quy định cá nhân, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được phép mua nhà đất, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng quy định như dự thảo luật là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hằng năm số lượng rất nhiều, do vậy vấn đề cần phải cân nhắc một cách thận trọng.
ĐB Phạm Văn Hòa đặt vấn đề nên chăng chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam.
ĐB Hòa cũng cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài. Thời gian qua, dư luận rất phản ứng đối với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thu mua nhiều đất đai. ĐB Hòa cho rằng chúng ta nên có giới hạn về thời hạn sử dụng…
Bên cạnh đó, đề nghị dự thảo luật cần rà soát các quy định để tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bình luận (0)