Ngày 7-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"Cam kết đầu ra" của gói phục hồi gần 350 ngàn tỉ đồng
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề cập đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra của chương trình. Đại biểu cho rằng mục tiêu cốt yếu của chương trình là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được các kết quả lớn hơn.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị "cam kết đầu ra" của gói phục hồi gần 350 ngàn tỉ đồng
"Vấn đề hiệu quả thực tế chương trình phải đạt được là trả lời câu hỏi, với hơn 346 ngàn tỉ đồng, chúng ta sẽ thu lại kết quả gì? Và với mục tiêu như vậy, chương trình cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực, hiệu quả đầu ra. Tuy nhiên, đối chiếu với nội dung nghị quyết, vấn đề này chưa được cụ thể hóa. Nếu không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả"- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn.
Về tiêu chí đầu tư nguồn lực, vị đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng nguyên tắc quan trọng là nguồn lực phân bổ phải trên nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc. Với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Chính phủ đang đề xuất, sẽ phân bổ 346.000 tỉ đồng cho các mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu phân bổ trực tiếp, gián tiếp như thuế, hỗ trợ lãi suất. Nhưng dù trực tiếp hay gián tiếp, bà Mai lưu ý cần tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách.
Với danh mục dự án được sử dụng nguồn lực tại chương trình, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề cập có ý kiến cho rằng danh mục dự án cần bao quát mọi lĩnh vực, nhưng quan điểm của bà là chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng. "Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cũng cần có những bước đi thực sự vững chắc, cốt lõi chúng ta cần đạt được là hiệu quả thực chất"- bà Mai nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, với chính sách miễn giảm thuế, phí quy mô 64 ngàn tỉ đồng (nằm trong chương trình phục hồi và phát triển) năm 2022, cần có quy định cụ thể đối tượng được áp dụng. Ông Hòa kiến nghị chỉ tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với nguồn lực khoảng 103 ngàn tỉ đồng, trong đó đề xuất thí điểm hình thức chỉ định thầu kèm điều kiện tiết kiệm 5% giá dự toán, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng mức này còn thấp, cần tính toán lại để tránh xảy ra tình trạng cấu kết trong việc nâng giá dự toán làm thiệt hại ngân sách. Bên cạnh, trong thời gian thực hiện 2 năm 2022-2023, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp này đề nghị Chính phủ tính toán kỹ về khả năng giải ngân, tiến độ công trình...
Tăng nguồn lực hỗ trợ cho người lao động
Tham gia thảo luận tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) bày tỏ lo ngại khi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến lao động, việc làm. "Sẽ không khó để nhận thấy, những người xung quanh chúng ta, nếu không phải công chức nhà nước thì hầu như đang phải đối mặt với vấn đề lao động, việc làm, nhất là tình trạng mất việc, giảm, giãn việc"- đại biểu Thủy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu nhiều vấn đề về lao động, việc làm
Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ, chỉ tính riêng quý III/2021, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Trong đó, hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giảm, giãn giờ làm việc.
Biến thể delta đã cuốn đi khoảng 1/4 mức lương hàng tháng của người lao động ở miền Đông Nam bộ. "Đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả gì thì nay lại càng khó khăn hơn"- bà Thủy nêu thực trạng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động bị thu hẹp. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiết hụt lao động tại các tỉnh phía Nam nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Cho tới nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh.
"Nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, nhiều người chọn phương án chờ qua Tết Nguyên đán mới đi làm trở lại. Trong khi đó nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải chịu áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội" - đại biểu Thủy cho hay.
Trong bối cảnh bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt trước dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng để hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề lao động.
Góp ý về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hôi Chính phủ đang đề xuất, đại biểu Thủy kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức. Bên cạnh đó, cần dành nguồn lực thỏa đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Vị đại biểu đoàn Bắc Kạn cũng đề nghị chương trình cần bố trí nguồn lực phù hợp để hỗ trợ kinh phí xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.
Bình luận (0)