Ngày 6-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được đề cập trong nội dung sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận tại tổ.
Trước đó, cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến ủy ban tán thành sự cần thiết nghiên cứu, sửa đổi nội dung này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ hơn thực tiễn thi hành Luật, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của Luật, vướng mắc nào do các nguyên nhân khác để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi luật nhằm giải quyết cho các dự án đang bị "tắc". Dẫn con số tổng hợp từ Hà Nội, TP HCM và Hiệp hội Bất động sản, ông Lê Thành Long cho biết có hàng trăm dự án đang vướng. Trong đó, Hà Nội trên 80 dự án, TP HCM 130 dự án.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm
Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung này được đề xuất sửa đổi theo hướng quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; Có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.
Góp ý về nội dung sửa đổi trên, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) bày tỏ một số băn khoăn. Theo ông Giang, việc sửa đổi tạo thuận trong việc đầu tư, triển khai dự án cho các nhà đầu tư, nhưng đặt ra vấn đề về trục lợi chính sách, lợi ích nhóm.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc quy định thêm quyền sử dụng đất khác không phải đất ở thì sẽ mở rộng diện giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không thông qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. "Các nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất hợp pháp không phải đất ở, kể cả là đất nông nghiệp nhưng nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch cũng sẽ được đầu tư vào làm nhà ở"- ông Giang nêu quan điểm.
Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định), việc sửa đổi quy định nêu trên là mở rộng hình thức sử dụng đất với nhà đầu tư có đất hoàn toàn không phải đất ở và chỉ cần đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là được chuyển sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại, không đặt vấn đề là cần phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, vị đại biểu tỉnh Bình Định chia sẻ với các ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn do đây là chủ trương lớn, tác động diện dự án lớn, là hoàn toàn không có mét đất ở nhưng vẫn được chuyển đổi xây dựng dự án thương mại. Cần có đánh giá tác động ra sao tới nguồn thu ngân sách, tác động ra sao tới thị trường bất động sản hay nguy cơ tranh chấp về đất đai… cần được đánh giá kỹ hơn.
Ông Đồng Ngọc Ba cũng cho rằng, hợp lý nhất là sửa đổi đồng bộ Luật Đất đai, vì liên quan tới vấn đề giá đất, trình tự thủ tục. Nếu không đấu thầu, đấu giá mà giá vẫn sát thị trường là lý tưởng, song thực tế rất khó khăn, trong khi với trường hợp này thì sẽ không còn đấu giá, đấu thầu nữa.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thấu đáo,kỹ càng hơn nội dung sửa đổi. Đại biểu này lo ngại việc doanh nghiệp được phép chuyển đất một phần hoặc toàn bộ không phải đất ở sang đất ở mà không qua đấu giá thì dẫn tới tình trạng doanh nghiệp đi thu gom đất nông nghiệp, sau đó xây nhà ở thương mại.
Vị đại biểu đoàn Bắc Giang cũng băn khoăn, khi doanh nghiệp đã gom được đất nông nghiệp đủ lớn thì có thể tác động tới việc xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Mặt khác, ông Lâm cũng đặt vấn đề, nếu doanh nghiệp được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở mà không qua đấu giá thì có gây thất thoát ngân sách hay không.
Về phía cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật cho biết, một số ý kiến cho rằng đây là chính sách lớn, tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản, do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách, dự báo tình hình chuyển mục đích sử dụng đất, khả năng phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Bình luận (0)