Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 5 ngày 1-6, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đã và luôn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa kiến nghị Chính phủ ưu tiên các giải pháp tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí... cho doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Thắng
Do đó, vị đại biểu cho rằng Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này. "Đại biểu Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm kỳ họp bất thường để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ cho doanh nghiệp"- đại biểu Nghĩa nêu rõ.
Từ thực tế khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, cho người dân.
Hoàn toàn nhất trí việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị xem xét kéo dài chính sách giảm thuế sang năm 2024, thay vì kết thúc cuối năm 2023 như phương án Chính phủ trình.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ ngành có giải pháp đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại. Một trong những giải pháp được đánh giá cao là đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, liên quan đến các dự án luật mà Bộ Công an đang trình tại kỳ họp thứ 5 này.
Dẫn báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đại biểu Nghĩa cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp tăng từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022. Do đó, Chính phủ cần quyết liệt cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Trước Quốc hội, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh năng suất lao động cao là chìa khóa cho sự thịnh vượng của quốc gia. Ở nước ta, năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 4,8% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,5%. "Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này"- ông Nghĩa cho hay và cho biết mục tiêu chúng ta đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là bình quân trên 6,5%/năm.
Với mức tăng 4,8% của năm 2022, để đạt được mục tiêu 5 - 6% của năm 2023, tiến tới mục tiêu 6,5% của giai đoạn 2021 - 2025, cần có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Tuy nhiên, đại biểu Nghĩa cho rằng trong các báo cáo của Chính phủ lại chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này. Do đó, ông đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân chưa đạt mục tiêu, từ đó đề xuất các giải pháp cho năm 2023.
Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu tại hội trường sáng 1-6. Ảnh: Phạm Thắng
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng mặc dù từ cuối năm 2022 Chính phủ nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để gỡ khó, tăng cường khả năng chống chịu cho doanh nghiệp nhưng mức độ tác động và hiệu quả chưa được như kỳ vọng.
Theo bà HIền, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi thông suốt.
Để nuôi dưỡng, trợ lực và phát triển kinh tế tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Trần Thị Hiền kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu để có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất... thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ để tạo đà phục hồi doanh nghiệp.
Bình luận (0)