Ngày 4-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng về việc có hay không tình trạng "cát cứ", không chia sẻ dữ liệu của các bộ ngành, địa phương trong quá trình xây dựng Chính phủ số.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Vị đại biểu cũng đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ TT-TT về giải pháp chấm dứt tình trạng "khủng bố" cuộc gọi, tin nhắc rác, trong đó có các cuộc gọi đòi nợ thuê, quảng cáo.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết về mặt pháp luật, Chính phủ quyết định việc xây dựng, chia sẻ dữ liệu các bộ ngành, địa phương.
Về việc có "cát cứ" hay không, Bộ trưởng nhấn mạnh về mặt tâm lý, có tình trạng một số bộ ngành, địa phương khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng chưa yên tâm để chia sẻ. Hơn nữa, một số cơ quan cũng lo ngại vấn đề bảo mật thông tin khi chia sẻ cho nhiều cơ quan, trong trường hợp bị lộ lọt, bị tấn công thì ai chịu trách nhiệm. "Về tâm lý, cũng có thực tế dữ liệu là tài nguyên, nếu một mình mình biết, nắm giữ thì quyền mình nhiều hơn, nếu chia sẻ cho nhiều người biết thì quyền mình ít đi" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định đối với 8 hệ thống dữ liệu đã kết nối, chia sẻ hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ là hiệu quả, không có tình trạng cát cứ. Thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ công khai, chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả, phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn ngày 4-11
Đối với tình trạng "khủng bố" qua điện thoại, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong giai đoạn năm 2021-2022, có tới 80% trong các phản ánh của người dân đến Bộ hoặc qua các công ty viễn thông là liên quan đến tin nhắc rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo. "Tình trạng tin nhắn rác thời gian qua đã chùng xuống khi chúng ta dùng công nghệ để ngăn chặn, mỗi tháng chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, nhưng lại nổi lên cuộc gọi rác" - Bộ trưởng cho biết.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết vừa qua Bộ TT-TT đã công bố số điện thoại làm đầu mối cho người dân phản ánh về tin nhắc rác, cuộc gọi rác. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là giải pháp công nghệ. Về việc này, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các nhà mạng chung tay xây dựng các giải pháp công nghệ để chủ động ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về trách nhiệm quản lý nhà nước trong quản lý mạng xã hội, việc chậm xử lý các vụ việc vi phạm khi livestream trên mạng xã hội, trong đó có vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam - PV).
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong công tác quản lý nhà nước, Bộ TT-TT luôn quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, coi đây là ưu tiên số một.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã thẳng thắn nhìn nhận còn một số trường hợp thể chế đi sau, như vụ việc liên quan bà Nguyễn Phương Hằng. Theo Bộ trưởng, thời điểm đó chưa có quy định pháp luật về quản lý hành vi livestream trên mạng xã hội như thế nào. Ngay sau đó, Bộ TT-TT đã rà soát, xử phạt hành chính và hiện vụ việc đang được xử lý hình sự
Bộ trưởng cho biết Bộ TT-TT đã rà soát để sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Qua đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livestream, phải cung cấp thông tin thời gian, trong trường hợp bán hàng thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Đại biểu Lê Hoàng Anh tranh luận với Bộ trưởng Bộ TT-TT
Giơ biển tranh luận sau đó, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng phần trả lời Bộ trưởng chưa làm rõ được trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ TT-TT, của Bộ trưởng và các đơn vị, cá nhân liên quan trong việc chậm xử lý vụ việc livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.
Vị đại biểu đoàn Gia Lai đặt vấn đề liệu có phải thiếu hành lang pháp lý hay không bởi nhiều trường hợp vi phạm trước đó đã xử lý nhanh. "Có hay không tình trạng người ít tiền thì xử lý ngay, còn người có tiền thì cơ quan quản lý Nhà nước "nghe ngóng" trước khi xử lý trường hợp này" - đại biểu đặt vấn đề.
Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng cuộc sống có nhiều diễn biến, khi quản lý nhà nước thì những vấn đề đã tường minh, đã rõ mới xử lý được. "Quản lý nhà nước có cái khó là phải chắc tay mới làm được, chưa chắc tay là rất khó làm. Khi vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng livestream, đó là một công nghệ hoàn toàn mới, chúng ta hoàn toàn chưa có quy định về việc việc này thì xử lý hành chính, sau đó chuyển cơ quan điều tra" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với băn khoăn của đại biểu về việc những trường hợp ít tiền thì xử lý nhanh, còn những người có tiền thì "nghe ngóng", chậm xử lý, người đứng đầu Bộ TT-TT khẳng định các cơ quan thuộc Bộ không có tình trạng này.
Bình luận (0)