Sáng nay 4-11, theo chương trình kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn.
Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Lần đầu tiên là tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào tháng 11-2019. Ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ TT-TT từ tháng 10-2018 đến nay.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng sáng 4-11, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) sau khi cho biết hiện có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó đối với 3 mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản. "Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ như hiện nay, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?" - đại biểu chất vấn
Trả lời đại biểu Tạ Minh Tâm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mạng xã hội kinh doanh trên dữ liệu cá nhân, thu thập dữ liệu cá nhân. Cách đây 3 năm, tại diễn đàn Quốc hội, ông từng nêu quan điểm phải có mạng xã hội Việt Nam bởi không thể bỏ nền tảng này được. Theo Bộ trưởng, năm 2009, tất cả nền tảng mạng xã hội Việt Nam có chưa đến 40 triệu tài khoản, đến nay mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có 130 triệu tài khoản, tương đương với số người dùng Facebook và YouTube cộng lại. "Đây cũng là giải pháp giữ lại dữ liệu của người Việt Nam tại Việt Nam " - Bộ trưởng Bộ TT-TT nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thời gian tới, các cơ quan sẽ ban hành nghị định và tiến tới xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc. "Các nước ý thức rất rõ vấn đề này nên khung phạt vi phạm rất cao, có khi lên đến hàng tỉ USD với doanh nghiệp kinh doanh thu thập dữ liệu cá nhân, mức phạt tù có khi lên đến 10 năm" - Bộ trưởng Bộ TT-TT nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 4-11
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TT-TT, đại biểu Quốc hội chất vấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân... cũng sẽ được các đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trao đổi với phóng viên trước phiên chất vấn này, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết nhiều vấn đề của ngành TT-TT được cử tri và nhân dân mong đợi như chuyển đổi số; việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật…
Đại biểu Đặng Bích Ngọc kỳ vọng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể đẩy thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số, bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành.
Đặc biệt, Bộ trưởng cần đưa ra các giải pháp căn cơ để tăng cường quản lý các trang mạng xã hội, ngăn chặn tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ.
Bình luận (0)