Ngày 25-5, Quốc hội (QH) thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018; trong đó kết hợp thảo luận báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Tăng trưởng có dựa vào dầu thô?
Đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, gọi việc lấy dầu thô để bù đắp cho tăng trưởng là "khoảng lặng cần được nhìn nhận".
Theo ông, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng. Một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt từ 6,4%-6,6%, thay vì 6,81%. Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất, kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (ảnh trên) và đại biểu Trần Quang Chiểu tranh luận về việc tăng trưởng dựa vào dầu thô Ảnh: NGUYỄN NAM
Đáng lưu ý, tuy cùng là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhưng ĐB Trần Quang Chiểu lại nêu quan điểm trái ngược. Theo ĐB Chiểu, nói tăng trưởng dựa vào dầu thô là không thỏa đáng bởi số liệu cho thấy khai thác cả dầu thô và than đều giảm so với năm 2016. Khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn khoảng 1,6 triệu tấn. Về than, năm 2017 khai thác 38,735 triệu tấn; hụt gần 2 triệu tấn so với kế hoạch.
"Số liệu này là số liệu Chính phủ gửi cho ĐB, trong khi có ĐB nào đó nói là chúng ta khai thác vượt 1,2 triệu tấn thì không biết số liệu lấy đâu ra. Chúng ta đánh giá Chính phủ như thế là không thỏa đáng" - ĐB Chiểu nêu quan điểm. Ông cho rằng ấn tượng nhất của ông với Chính phủ chính là năm 2017 là năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào công nghiệp khai khoáng và khai thác tài nguyên.
Giơ biển tranh luận lại, ĐB Hoàng Quang Hàm cho biết Báo cáo số 93 của Chính phủ ngày 16-5 đề cập đến sản lượng khai thác dầu năm 2017 là 13,57 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,29 triệu tấn và là yếu tố tác động đến GDP.
"Bức tranh tăng trưởng của chúng ta phải được nhìn nhận cho thực chất vì tăng trưởng từ dầu thô là khai thác tài nguyên, không phải xuất phát từ sản xuất, kinh doanh, nội lực của nền kinh tế" - ông Hàm bày tỏ.
Góp ý vào lĩnh vực kinh tế, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu rõ: "Nếu chủ trương tinh giản bộ máy biên chế để giảm chi thường xuyên được thực hiện một cách tốt hơn thì chúng ta đã không phải tăng thuế, phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc" - ông Lộc nói.
Phẫn nộ vì "đất vàng" rơi vào tay "bạch tuộc"
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, những khu vực "đất vàng", khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
"Người dân bất bình, thậm chí phẫn nộ vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) "bạch tuộc", không đầu tư cho sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án và phân lô bán nền bằng nhiều hình thức, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước" - ĐB Vượt bức xúc.
Theo vị ĐBQH của tỉnh Gia Lai, nhiều DN có dấu hiệu là "sân sau" của một số quan chức cùng cộng sinh thâu tóm, lũng đoạn bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lợi ích nhóm.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương nêu thực trạng trong các dự án BT (đổi đất lấy công trình), hàng ngàn hecta "đất vàng", "đất kim cương" của nhà nước và cả người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy trụ sở, thậm chí là cổng chào hay tượng đài. Trong khi đó, giá hằng năm mà các địa phương công bố chỉ bằng 10%-20% giá thị trường. Chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho DN, DN lại làm hạ tầng, thậm chí có những nơi không làm gì mà phân nền bán ra với giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần.
"Lẽ ra các dự án này phải mang lại những công trình giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân như bệnh viện, trường học hay những công trình phục vụ cộng đồng. Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng ngàn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng hay đất không thể canh tác được mà người dân vẫn không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống" - ông Cương nói.
Ông cũng đề nghị QH, Chính phủ quan tâm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tiến tới ngăn chặn nguy cơ và hậu quả mang lại từ đất. Như vậy "mới tránh được lửa bùng lên từ đất" như cách ví von của Thủ tướng.
Nhiều chuyện động trời
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ mối tâm tư rất lớn khi "hiện thực cuộc sống trong thời gian gần đây đang xảy ra những câu chuyện động trời, khó tin". Đó là vấn đề suy thoái về đạo đức, kỷ cương phép nước chưa nghiêm, xảy ra những hành vi mất nhân tính như: than củi tre làm thuốc trị ung thư, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, bảo mẫu bạo hành dã man trẻ em, các vụ thảm án giết nhiều người gây chấn động...
Vị ĐB là giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng QH, Chính phủ cần làm nhiều hơn, nhanh hơn và quyết liệt hơn để giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra.
"Cử tri lo lắng và tâm tư rằng ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa. Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn nói trên có nhiều nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp của đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước" - ĐB Cầu nói.
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị chấn chỉnh ngay đội ngũ cán bộ phục vụ trong ngành y tế và giáo dục.
Với ngành y tế, ông Bình nhận định dù nhiều vụ việc tấn công bác sĩ được lý giải do người nhà bệnh nhân chưa hiểu được quy trình cấp cứu nên yêu cầu nhân viên y tế làm trái quy trình nhưng bản thân ngành y tế trước hết phải thay đổi từ chính mình, sau đó mới tính đến sử dụng các khuôn khổ pháp luật để bảo vệ y - bác sĩ.
"Từ vụ án VN Pharma và thuốc giả Vinaca, người dân nghi ngờ chất lượng thuốc chữa bệnh hiện nay. Thuốc chữa bệnh không như các loại hàng hóa khác, người sử dụng rất khó lựa chọn, đánh giá chất lượng. Trách nhiệm của ngành y tế và ngành chức năng rất lớn" - ông Bình bày tỏ.
Với ngành giáo dục, ĐB Bình dẫn thực trạng bạo hành trong nhà trường với trẻ em, nhất là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi. "Cần quan tâm đầu tư cơ sở giữ trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Thường xuyên đánh giá chất lượng giáo viên, loại bỏ khỏi hệ thống những giáo viên thiếu đạo đức" - ĐB Bình đề nghị.
Các công trình trọng điểm vướng giải ngân vốn
Qua báo cáo Kiểm toán Nhà nước thì vẫn còn nhiều nơi, bộ - ngành, địa phương phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Đến năm 2017, con số phát sinh là 14.614 tỉ đồng. Từ đó, nhiều ĐB đề nghị Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh để không phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho biết năm 2017, vốn từ ngân sách nhà nước chỉ giải ngân được 86,8% và vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 45%... Đặc biệt, trong quý I/2018 mới đạt 16,3%. Tình hình giải ngân này chắc chắn sẽ tác động đến các dự án, công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ… Không hoàn thành đúng kế hoạch, hậu quả có thể là tăng chi phí đầu tư, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Công nhân đang sống trong "5 không"
Dành toàn bộ thời gian phát biểu để nói về đời sống của công nhân lao động, ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho biết cả nước có khoảng 4 triệu công nhân đang làm việc tại hơn 300 KCN. Có ý kiến nhận xét rằng nhiều người đang sống trong tình trạng "5 không": không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao.
Ông Hùng đề nghị phải tăng mức lương tối thiểu vùng đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu của công nhân bởi khi lương và thu nhập đủ sống, công nhân mới nghĩ đến việc thụ hưởng văn hóa, giải trí để tái tạo sức lao động.
Bình luận (0)