Câu chuyện tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) tại TP HCM bị tắc vốn đã làm "nóng" buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM với UBND TP chiều 17-10. Bởi tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH chiều 12-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự án metro số 1 bị đình trệ là do đội vốn quá lớn. Ban đầu, dự án được phê duyệt 17.000 tỉ đồng nhưng sau đó TP HCM đề nghị tăng thêm 30.000 tỉ đồng.
"Nói vốn chưa phê duyệt là chưa thỏa đáng"
Tại cuộc họp, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, ông Lê Nguyễn Minh Quang, đã giải trình vì sao metro số 1 tăng vốn từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng. Ông Quang cho biết metro số 1 được khởi công vào tháng 8-2012. Tuyến có chiều dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức của TP HCM và thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương.
Theo ông Quang, dự án này được Thủ tướng Chính phủ thông qua báo cáo đầu tư xây dựng do Cục Đường sắt Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư vào năm 2006. Đơn vị được giao lập dự án đầu tư là Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam. Vào thời điểm này, Việt Nam chưa làm tuyến metro nào, đơn vị tư vấn lập dự án cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Tổng mức đầu tư dự án được lập là 17.000 tỉ đồng.
Tuyến metro số 1 đang cần vốn để thi công Ảnh: Hoàng Triều
Cuối năm 2006, dự án được giao về cho TP HCM. Từ tháng 1-2008, đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh các công ty tư vấn Nhật Bản đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu... là chưa phù hợp nên thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỉ đồng. Rất thận trọng, TP đã mời Công ty Singapore Mass Rapid Transit và Công ty CPG thẩm tra độc lập. Hai công ty này kết luận tổng mức đầu tư như trên là phù hợp. Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) cũng không phản đối mà còn cam kết tăng vốn ODA cho dự án. Đến năm 2010, TP HCM đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã cho lấy ý kiến các bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT). Bộ KH-ĐT cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư. Các bộ đều đồng thuận vấn đề này.
Trên cơ sở đó, tháng 8-2011, Thủ tướng Chính phủ có công văn đồng ý để UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo. Đến tháng 9-2011, UBND TP đã ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này là 47.000 tỉ đồng.
"Do đó, nếu nói dự án metro số 1 vốn lớn, chưa được duyệt là không chính xác" - ông Quang khẳng định. Ông cho biết theo Nghị quyết 49, dự án có vốn từ 35.000 tỉ đồng phải trình QH. Do đó tháng 5-2011, TP HCM đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT kiến nghị báo cáo QH về công tác điều chỉnh vốn với dự án. "Đây là dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng giao thông, hết sức quan trọng với sự phát triển của TP. Vì vậy, TP đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị chứ không phải thiếu trách nhiệm" - ông Quang thông tin.
Là vấn đề chung
ĐB Nguyễn Phước Lộc cho rằng nếu muốn QH có nghị quyết riêng phân bổ nguồn vốn trung hạn cho dự án metro số 1 thì Đoàn ĐBQH TP HCM cần có kiến nghị tập thể bằng văn bản chứ không phải từng ĐB kiến nghị riêng lẻ.
Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết khi nghe số vốn đội từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng, "ai cũng giật mình". Theo ông Ngân, trong số vốn này, vốn ODA chiếm tới 88%, còn vốn đối ứng ngân sách TP chỉ 12%. "Chúng ta nên rà soát lại xem Chính phủ đã có báo cáo QH chưa. Nếu Chính phủ đã báo cáo thì xem QH đã phê duyệt chưa. Nếu QH im lặng thì có phải đã đồng ý không" - ông Ngân nêu.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nếu sự điều chỉnh là khách quan, cần thiết, hợp lý và vì lợi ích tối ưu của nhân dân TP thì Đoàn ĐBQH TP phải đồng loạt kiến nghị và đưa ra QH xem xét. Ông Nghĩa nói: "Các bộ, ngành đã thẩm định hết rồi, có tư vấn độc lập khách quan của nước ngoài xem xét là cần thiết nâng vốn đầu tư, Nhật Bản cũng sẵn sàng hỗ trợ vốn để làm… thì không có lý do gì mà không kiến nghị QH bổ sung phê duyệt, dứt điểm chuyện ách tắc chứ để lâu rất nguy hiểm, cả về mặt đối ngoại cũng không tốt".
Phó Đoàn ĐBQH TP Phan Nguyễn Như Khuê nói đây không phải là chuyện riêng của TP HCM mà là chuyện chung vì liên quan đến vốn ODA. Vì vậy, Đoàn ĐBQH TP sẽ có ý kiến với QH.
Cử tri lo ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng cử tri TP HCM còn nhiều băn khoăn khi nói về TP thông minh, đáng sống. "Ba chuyện lớn là ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, nhiều cử tri chưa hài lòng" - ông Nghĩa nói. Theo ông, 3 vấn đề này đã được bàn từ nhiều năm trước, trong đó hằng năm tốn rất nhiều tiền để chống ngập. "Chúng ta lo phát triển "nóng" bất động sản mà không giải quyết song song vấn đề môi trường, thoát nước nên cử tri không yên tâm" - ông Nghĩa đặt vấn đề.
Bình luận (0)