Chiều 15-6, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) Khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký QH, nhấn mạnh Luật An ninh mạng được thông qua với tỉ lệ đại biểu (ĐB) tán thành rất cao.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại buổi họp báo Ảnh: QUANG VINH
Trả lời câu hỏi QH có tính đến việc công khai danh sách ĐBQH bấm nút thông qua hoặc không đồng ý thông qua các dự án luật, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay hiện nay, thế giới có khoảng 1/4 nghị viện công bố danh tính, 3/4 không công bố danh tính. "Tôi tham gia Hiệp hội Tổng thư ký QH thế giới. Tôi có hỏi thì họ nói trong tổng số 283 nghị viện trên thế giới, chỉ có 70 nghị viện nghị quyết có danh, còn lại không có danh. Hình thức nào cũng có mặt tích cực và không tích cực" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Về việc ĐBQH Dương Trung Quốc đề nghị có thêm hình thức có danh trong biểu quyết, ông Phúc cho rằng trong quá trình sửa nội quy kỳ họp QH, ĐBQH đã đề nghị thực hiện như bây giờ và luật pháp quy định thế nào thì QH phải chấp hành.
Tại buổi họp báo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQP-AN) Nguyễn Thanh Hồng cho biết trong quá trình thẩm tra và giúp Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng, UBQP-AN đã lắng nghe ý kiến của cử tri, các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến của đại diện một số quốc gia như Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu, các hiệp hội internet, viễn thông châu Á - Thái Bình Dương, các phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài.
Nhiều vấn đề trong dự án luật được Chính phủ trình đã được tiếp thu, chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng. Ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định đến nay, Google, Facebook vẫn chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào tham gia ý kiến xây dựng dự án luật này. Tuy nhiên, trên truyền thông có thông tin Facebook đã có ý kiến sẽ nghiên cứu để triển khai nội dung quy định của luật này.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, doanh nghiệp quan tâm Luật An ninh mạng có 2 nội dung, đó là đặt máy chủ tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại nước ta. Hai vấn đề này cũng còn ý kiến khác nhau giữa nhiều quốc gia trên thế giới.
Báo cáo kiểm tra của UBQP-AN cho thấy hiện nay, 18 quốc gia đã yêu cầu nhà cung cấp mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó. Tháng 5-2018, Liên minh châu Âu yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó vì lợi ích quốc gia.
Luật thông qua lần này chỉ lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, chỉ có một số thông tin người dùng, theo Hiến pháp, đây là quyền liên thông và được pháp luật bảo hộ, là tài sản của Việt Nam. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ bí mật người dùng tại Việt Nam. Hiện Indonesia đang sửa luật giống như Luật An ninh mạng của Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Nghị định 72/2013 của Chính phủ đã quy định các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập các trang thông tin điện tử, thiết lập mạng xã hội, cung cấp các dịch vụ trên mạng viễn thông, di động… phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam; đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
"Thị trường 90 triệu dân rất được các nhà mạng quan tâm. Đây là kho tài nguyên, dữ liệu của người Việt Nam, nhà cung cấp dịch vụ không thể mang ra ngoài lãnh thổ Việt Nam được. Đây không phải mới, mà là vấn đề quy định. Thế giới cũng thế thôi" - ông Phúc nhấn mạnh.
Theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, UBTVQH rất quan tâm đến Luật Biểu tình. Năm 2016, khi xây dựng chương trình luật, pháp lệnh của năm 2017, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự án luật này để báo cáo UBTVQH, QH cho ý kiến. Hiện nay, Chính phủ vẫn tích cực chuẩn bị dự án luật. Đến khi nào Chính phủ hoàn thiện sẽ báo cáo UBTVQH và QH cho ý kiến.
Bình luận (0)