ĐBQH Phạm Văn Hoà phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nêu ra nhiều tồn tại, hạn chế, như: Xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc miền núi và giải ngân chậm, vốn đối ứng cao, gây khó khăn cho các tỉnh có thu nhập thấp; xã được công nhận nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí; còn nặng thành tích để "bằng chị, bằng em" dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được; cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa...
Nêu ví dụ, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được xây dựng, hỗ trợ xây dựng nhà, khi nhà xuống cấp cần sửa chữa lại không có tiền, phải trông chờ nhà nước hoặc các nguồn tài trợ tiếp. "Có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo vì thoát nghèo thì không còn hưởng chính sách của Nhà nước. Việc vay vốn để phát triển sản xuất hoặc xây dựng nhà, sửa chữa nhà, cho con em học hành... Nhiều trường hợp sử dụng sai mục đích, không có khả năng hoàn vốn mà chỉ có nhiệm vụ đóng lãi hàng tháng, nên việc quay vòng vốn cho các trường hợp khác là điều không thể..." - vị ĐBQH nêu.
Phát biểu thảo luận, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng việc thoát nghèo và giảm nghèo, sự nghèo hay không nghèo là biến số, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Bởi lẽ, một gia đình có thể đang rất bình thường nhưng nếu chỉ cần có một người ốm, một người bị bệnh nặng đi điều trị thì tự nhiên trở thành người nghèo.
Theo ĐB Đỗ Chí Nghĩa, quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo và ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, của các chương trình mục tiêu, các chính sách Nhà nước mãi mãi vẫn chỉ là sự hỗ trợ và chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể đã có ý thức vươn lên. Phải có một sự thay đổi rất cơ bản về mặt nhận thức của đối tượng, của các chủ thể được thụ hưởng các chính sách này.
ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng
Về giáo dục, ĐB Đỗ Chí Nghĩa cho rằng hiện nay có những quy định chưa hợp lý mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra rất đúng, ví dụ như trong chương trình phát triển dự bị đại học, đại học, sau đại học thì chúng ta lại phân bổ vốn cho địa phương, trong khi các trường đại học phần lớn thuộc các bộ, ngành, Đại học Quốc gia thì thuộc Chính phủ quản lý. Như vậy, 2 nguồn này sẽ không tích hợp, không gặp được nhau.
Việc xác định hộ nghèo ở các địa phương hiện nay cũng còn khó khăn. "Tôi nhớ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi đề nghị sửa Nghị định 81 về chế độ, chính sách học phí cho học sinh, Phó Thủ tướng có nói một ý là các em học sinh về quê để xin xác nhận hộ nghèo rất khó khăn, bởi vì nhiều địa phương bây giờ nghèo luân phiên, tức là hoa thơm mỗi người hưởng một chút, cho nên có khi các cháu nghèo chưa phải là đối tượng nghèo theo xác định của địa phương, học phí cao, về xin xác nhận để được miễn giảm thì quá khó khăn..." - ĐB Đỗ Chí Nghĩa nói.
Vị ĐB đề nghị những bất cập này cần phải giải quyết, giải đáp cho rất dứt điểm để chúng ta thúc đẩy giáo dục phát triển.
Phát biểu tranh luận, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng hiện nay nguồn lực cho y tế cơ sở hạn chế nên việc điều trị rất nhiều bất cập. Nêu ra nhiều thực tế thiếu thốn của y tế cơ sở, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến hệ thống y tế cơ sở.
Bình luận (0)