xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

KIÊN ĐỊNH VỚI SỨ MỆNH GIẢM NGHÈO (*): Ươm mầm hy vọng

HỒNG ĐÀO - THANH NGA

Với đồng vốn vay từ Tổ chức Tài chính vi mô (CEP), nhiều thành viên đã vượt qua giai đoạn khó khăn, thoát nghèo thành công và có cuộc sống khấm khá

Ngày nào cũng hơn 17 giờ, bà Phạm Ánh Phụng mới kết thúc một ngày lao động vất vả, trở về căn nhà nhỏ nơi xóm chài ở khu phố 2, phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM. Đã 53 tuổi, miệt mài với công việc phụ hồ nặng nhọc nhưng cuộc sống của gia đình bà đã đổi thay rất nhiều so với trước. Không còn những đêm mất ngủ, nơm nớp lo sợ chủ nợ đến đòi tiền. Không chỉ trả dứt nợ, bà còn sửa sang lại mái ấm của mình và sắm thêm những món đồ giá trị. Gia đình bà có được cuộc sống yên ổn như vậy là nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính vi mô (CEP).

Dang rộng vòng tay với người nghèo

Chiều muộn, chúng tôi theo chân các nhân viên tín dụng Chi nhánh CEP Nhà Bè đến thăm gia đình bà Phụng. Đang bận rộn chuẩn bị bữa cơm chiều nhưng khi thấy khách đến thăm, bà Phụng rất vui.

Nhớ lại những ngày trước khi biết đến CEP, bà Phụng kể bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em nên từ nhỏ đã phải đi bắt còng, bóc khoai mì khô, đi lưới... phụ cha mẹ. Rồi cơ duyên khiến bà gặp được chồng mình, một thợ đóng đáy thuê, ông bà nên duyên rồi sinh liền 5 người con. Mẹ bà Phụng cắt một phần đất cho vợ chồng bà dựng cái chòi ở tạm. Từ khi lấy chồng, bà chuyển hẳn qua nghề đóng đáy thuê. Cuộc sống vất vả trong khi thu nhập bấp bênh khiến các con bà thất học. Cùng với sự phát triển của thành phố, nguồn sống của gia đình bà cạn dần khi kênh rạch mất dần. Cuối cùng, ông bà phải bỏ nghề, chồng bà vì vậy sa vào rượu chè dẫn đến bệnh tật, không thể lao động. Bà và con gái lớn trở thành trụ cột của gia đình. Hai mẹ con vừa đi phụ hồ vừa nhặt ve chai nhưng chẳng đủ ăn. Nhiều khi túng quá, bà vay "nóng" vài trăm ngàn đồng đắp đổi qua ngày. Những món tiền tưởng nhỏ nhưng lãi cao, bà không có khả năng trả dứt nợ nên số tiền tăng dần, phải vay đầu này trả đầu kia. Làm việc quần quật, gia đình bà cũng chỉ đủ trả lãi. Năm 2008, bà được giới thiệu vay vốn CEP, ban đầu vốn vay vỏn vẹn 4 triệu đồng nhưng sau mỗi vòng vay, CEP tăng vốn cho bà để trả dần nợ, không phải vay nợ mới để đắp đổi. Đến năm 2019, CEP một lần nữa dang rộng vòng tay, hỗ trợ bà một số tiền (41 triệu đồng) để trả dứt nợ. Hết nợ, bà chí thú làm việc nên cuộc sống dần ổn định. Trong ngôi nhà nhỏ giờ đã có đủ tivi, tủ lạnh, đồ gia dụng... "Tôi còn một khoản tiết kiệm nhỏ ở CEP, những thứ mà trước đây tôi không dám mơ tới. Được như hôm nay, tất cả nhờ có CEP" - bà Phụng bày tỏ.

KIÊN ĐỊNH VỚI SỨ MỆNH GIẢM NGHÈO (*): Ươm mầm hy vọng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Chi nhánh CEP Bến Nghé, thăm hỏi tình hình làm ăn của chị Nguyễn Thị Ngọc Hương. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Cũng nhờ nguồn vốn và sự đồng hành của CEP, gia đình bà Nguyễn Thị Lành (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM) đã hoàn toàn đổi thay. Bà Lành kể trước năm 2008, gia đình bà sống rất khó khăn, phải làm thuê làm mướn khắp nơi cũng chẳng đủ ăn, nhà cửa dột nát không có điều kiện sửa. Năm 2008, bà tiếp cận được với nguồn vốn của CEP. Với khoản vay 10 triệu đồng, vợ chồng bà mua một đôi trâu, nhờ vậy công việc đạt năng suất cao hơn hẳn. Qua các lần vay, đến nay, kinh tế gia đình bà ngày càng cải thiện hơn. Không còn đi làm thuê, chồng bà thuê hẳn 5 mẫu ruộng để canh tác còn bà đi làm cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Bao bì Hoàng Minh. Nguồn vốn vay của CEP đều được đầu tư vào mua phân, mua giống và nuôi bò. Đến nay, ông bà tích lũy được vốn liếng để sắm máy cày, mua xe máy và có một đàn bò 4 con. Điều hạnh phúc nhất là gia đình bà đã xây được nhà mới khang trang hơn. "Tôi không bao giờ quên những ngày tháng gian khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo khổ đến mức không ai dám cho mượn nợ. Chính nhờ có CEP, tôi đã thoát ra khỏi cuộc sống đầy bế tắc ấy" - bà Lành nói.

Nuôi con cái thành đạt

Đến giờ này, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (ngụ hẻm 756 Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP HCM), thành viên của Chi nhánh CEP Bến Nghé, vẫn không nghĩ 3 mẹ con chị có được cuộc sống ổn định. Chị Hương là một trong những thành viên thoát nghèo thành công nhờ CEP. Nguồn thu từ tiệm tạp hóa nhỏ giúp chị và các con có thu nhập ổn định, không còn thiếu trước hụt sau.

Chị Hương vẫn nhớ như in ngày chồng mất vào năm 2007, chị khóc cạn nước mắt khi không tiền bạc, không nghề nghiệp cùng 2 đứa con nhỏ (6 tuổi và 3 tuổi). Khổ cực trăm bề khi chị vừa bôn ba tìm việc làm vừa chăm 2 đứa con nhỏ và ở nhà thuê. Người cậu ruột thấy hoàn cảnh khó khăn của chị nên cho 3 mẹ con về nhà ở nhờ. Không tiền, không nghề nghiệp lại bận bịu với 2 đứa con nhỏ, chị mua mấy trái cây bày bán trước cửa nhà kiếm đồng vô đồng ra. Những ngày bán hết hàng, chị có tiền mua gạo cho con, còn ngày ế thì phải sang nhà họ hàng xin cơm. Nhiều lúc con bệnh, chị phải bấm bụng vay "nóng" bên ngoài với lãi suất cao. Năm 2010, từ giới thiệu của địa phương, chị mạnh dạn vay CEP 5 triệu đồng để mua trái cây và hoa về bán. Sau lần vay thứ nhất, chị quyết định xin tăng vốn vay lên 7 triệu đồng, 10 triệu đồng và đến nay là 40 triệu đồng để mở rộng quy mô kinh doanh. Từ một cái bàn nhỏ tạm bợ với ít trái cây và hoa quả, nay chị đã mở rộng thành một tiệm tạp hóa nhỏ đủ khả năng phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con lối xóm. Cuộc sống ổn định nên việc học của các con chị cũng không bị gián đoạn. Cô con gái lớn của chị Hương đang học cao đẳng quản trị nhà hàng và con gái nhỏ học lớp 11. "Có nằm mơ, tôi cũng không nghĩ có ngày tôi làm chủ được một tiệm tạp hóa nhỏ và đủ sức nuôi 2 đứa con ăn học. Tôi chỉ mong mình khỏe mạnh và có thêm vốn để làm ăn" - chị Hương bày tỏ. 

Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả

Tài chính vi mô được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của tài chính vi mô. Hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô và các chương trình tài chính vi mô thời gian qua đã giải quyết được nhu cầu vốn của nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần cải thiện đời sống của người lao động nghèo. Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành tài chính vi mô Việt Nam, Quỹ Trợ vốn CEP nay là Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) luôn là tổ chức đi đầu của ngành về tính khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hỗ trợ giảm nghèo cho công nhân, lao động nghèo và người có thu nhập thấp.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-11

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo