Ngày 7-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Chính phủ trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội lần này là nội dung vô cùng quan trọng, đây là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở thành hùng cường.
Đại biểu Trịnh Xuân An thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ đánh giá và thuận lợi giám sát và thực hiện. "Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội lần thứ XIII của Đảng" - đại biểu Trịnh Xuân An góp ý.
Vị đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động. Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng những nội dung "quy hoạch cứng" như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong quy hoạch này.
"Đối với những nội dung khác, thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như vấn đề giáo dục, vấn đề y tế nên xác định là "quy hoạch mềm" để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể khiến bó khung, có thể làm hạn chế việc phát triển" - vị đại biểu đoàn Đồng Nai nêu quan điểm.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) nhấn mạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chú trọng đến 4 vùng động lực kinh tế.
Cụ thể, gồm Vùng động lực phía Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; vùng động lực phía Nam: TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu; vùng động lực miền Trung: khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long. Các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Ngoại trừ Hà Nội và TP HCM đã có định hướng phát triển đường sắt đô thị, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng các địa phương trong 4 vùng động lực này cần tính toán về đường sắt đô thị để kết nối với cực tăng trưởng là Hà Nội và TP HCM.
Đại biểu Trần Tuấn Anh phát biểu thảo luận tại phiên họp
Ngoài ra, về hành lang kinh tế cần phải phát triển kinh tế theo trục Bắc - Nam, với hai hành lang quan trọng là Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc và ở phía Nam là TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu phải gắn với kinh tế cửa khẩu.
Theo đó, phải tính toán thêm về kinh tế mậu biên và cửa khẩu, bởi việc kết nối kinh tế mậu biên và khu vực dọc biên giới, kinh tế biên giới cũng khá quan trọng, có sự giao thoa giữa giữa Việt Nam và các nước lân cận.
Cần quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở quy hoạch vùng, địa phương là góp ý của đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) khi thảo luận. Theo ông Minh, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới; nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của 6 vùng theo Nghị quyết đã đề ra.
Bên cạnh đó, vấn đề về du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu Minh, Việt Nam đang có lợi thế lớn về mọi mặt của du lịch, dư địa còn nhiều, do đó cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, dự thảo có nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm. Đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ, việc phối hợp để tạo nên những tour, tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng là điều rất quan trọng. Vì vậy, cần phải có nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước làm cơ sở liên kết các vùng với các địa phương.
Đại biểu Trần Quang Minh cũng cho rằng cần xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Ông dẫn chứng dự thảo Quy hoạch nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có đến 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế. "Chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất"- đại biểu Minh nói và nhận định khẳng định đây là vấn đề khó khi năm 2022 Việt Nam chỉ đón được hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế.
Bình luận (0)