Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, ngày 6-1, Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thảo luận ở hội trường về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bảo đảm quyền lợi người dân
Thảo luận tại tổ đại biểu TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự ưu việt của phương pháp quy hoạch tích hợp lần đầu tiên được đưa ra ở luật này. "Với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển như vũ bão thì tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch" - Chủ tịch nước lưu ý.
Theo Chủ tịch nước, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về một số mục tiêu cụ thể, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, trong xây dựng hành lang kinh tế mới, Chủ tịch nước lưu ý kết nối hành lang kinh tế Đông Tây với các nước trong khu vực như Campuchia kết nối với Mộc Bài (Tây Ninh) và TP HCM, hay giữa Myanmar - Lào - Thái Lan - Việt Nam ra tới biển Đông.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) lưu ý quy hoạch cần xác định rõ lộ trình thực hiện, cần thể hiện xuyên suốt việc triển khai quy hoạch không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. "Quy hoạch chúng ta xây dựng cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có một số định hướng lớn chưa thực hiện ngay được. Do đó, cần có thể chế đi liền, làm sao bảo đảm quyền lợi người dân khi thực hiện quy hoạch. Bởi trên thực tế, có tình trạng khi mới lên quy hoạch hoặc mới có ý tưởng thì nhà dân ở khu quy hoạch đó đã vướng ngay một số quyền lợi, chưa được bảo đảm giống như các nơi khác. Có thể "treo" về ý tưởng, còn khi thực hiện cần có lộ trình rõ ràng để không ảnh hưởng quyền lợi người dân" - ông Ngân nêu rõ.
Còn đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nội dung liên quan đến nguồn lực và giải pháp thực hiện để tránh lúng túng khi triển khai. Bên cạnh đó, do đây là quy hoạch tổng thể quốc gia, mang tính khái quát, nên cũng cần làm rõ tính chi tiết của các nội dung trong quy hoạch này đến đâu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến tại phiên thảo luậnẢnh: PHẠM THẮNG
Băn khoăn về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Chiều 6-1, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng một số nội dung được tiếp thu, chỉnh lý về cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu khắc phục vướng mắc, bất cập hiện nay. Theo đại biểu này, các bài học từ thực tiễn, phát sinh từ thực tế ứng phó khủng hoảng cần tiếp tục nghiên cứu. Bên cạnh đó, một số quy định cần liên thông với một số luật dự kiến sửa đổi trong thời gian tới như về đấu thầu, giá, bảo hiểm. Nghiên cứu làm rõ việc phân cấp chuyên môn cũng như giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên.
Còn theo đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai), đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến mọi người dân, liên quan nhiều luật và phải thể hiện được sự ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, 8 nhóm vấn đề lớn được cơ quan thẩm tra gợi mở thảo luận bao gồm có vấn đề nằm ở 1 điều, có nội dung nằm ở 1 mục, thậm chí cả 1 chương. Điều đó cho thấy việc tiếp thu, hoàn thiện là khó khăn và nhiều băn khoăn, chưa thống nhất. Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, "lượng chưa đủ để chuyển thành chất" khi chỉ có hơn 1 tháng, sau kỳ họp thứ 4 để nghiên cứu, tiếp thu trình tại kỳ họp bất thường để thông qua là không đủ với nhiều vấn đề then chốt, vấn đề khó.
Ông Hoàng Anh cũng cho biết nhiều chính sách mới chưa có hồ sơ đánh giá tác động theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một khía cạnh nữa là chưa rõ tính thống nhất, khả thi của các văn bản quy định chi tiết. Số điều khoản giao Chính phủ tăng lên khoảng 40 điều, chiếm hơn 33% số điều luật nhưng các dự thảo nghị định đi kèm chưa cập nhật, bổ sung nên chưa rõ tính khả thi.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Lê Hoàng Anh, đối với người bệnh trong quan hệ khám bệnh, chữa bệnh, thường ở vị trí yếu thế hơn, song trong dự thảo luật còn có điều khoản chưa quan tâm bảo vệ người bệnh. Hơn nữa, một số chính sách với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhân viên y tế, người bệnh chưa phù hợp, chưa thực sự tháo gỡ khó khăn trên thực tế. Đơn cử như chưa có xã hội hóa với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập có liên doanh, liên kết; các điều khoản về tài chính chưa tách khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh bình thường; quy định tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng... "Với những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị cân nhắc việc thông qua dự án luật tại kỳ họp bất thường này"- đại biểu Lê Hoàng Anh nêu quan điểm.
Bình luận (0)