Dịch Covid-19 lan rộng, hàng loạt công ty ngưng hoạt động, hàng triệu NLĐ tại TP HCM và cả nước phải chịu cảnh mất việc, thiếu việc làm. Nơi ở lại đang giãn cách xã hội, họ không có phương tiện mưu sinh nào khác ngoài tay nghề và sức lao động thì lại không được sử dụng, nên nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Ngoài nguồn chi trả của công ty, từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, còn có sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Công đoàn để giúp NLĐ qua được những tháng ngày khó khăn này.
Nhiều NLĐ cho biết dù có nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hay tiền hỗ trợ từ các gói an sinh của Chính phủ thì cũng chỉ xoay xở chi tiêu được vài tháng trong khi bản thân hầu như không có tích lũy. Do đó, sự hỗ trợ của hệ thống chính trị TP HCM là rất kịp thời, giúp NLĐ trụ lại được để chống chọi với dịch trong thời gian dài.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến hết ngày 16-8, có hơn 1,3 triệu NLĐ phải ngừng việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong năm 2020 có hơn 1,1 triệu người nộp hồ sơ hưởng TCTN, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch. Từ đầu năm 2021 đến nay có hơn 12,8 triệu NLĐ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong 8 tháng năm 2021, BHXH Việt Nam đã chi trả BHTN cho 511.915 người, trong đó có 500.883 người hưởng TCTN. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ước tính trong năm 2021 nguồn lao động của cả nước sẽ giảm khoảng 2,8 triệu người...
Trong tình cảnh ấy, không chỉ doanh nghiệp mà NLĐ cũng tìm cách thích nghi. Nhiều NLĐ chuyển sang làm các công việc thời vụ để kiếm sống như bán hàng online, chạy xe công nghệ… Nhiều công ty chuyển sang hình thức làm việc qua mạng, làm việc tại nhà đối với một bộ phận NLĐ. Riêng trong quý I/2021 đã có 80.000 lao động chuyển từ làm việc không ứng dụng công nghệ thông tin sang ứng dụng công nghệ thông tin do ảnh hưởng Covid-19.
Sự thích nghi đó là cần thiết, phù hợp xu thế phát triển và đòi hỏi sự năng động để tồn tại trong một thế giới luôn nhanh chóng thay đổi về khoa học công nghệ. Nhưng nhìn vào mặt bằng chất lượng nguồn lao động Việt Nam, vẫn còn những khoảng cách so với khu vực và trên thế giới. Đại dịch Covid-19 cũng là một tác nhân để các quốc gia cơ cấu lại nguồn lao động. Việt Nam cũng không thể khác, phải nâng cao chất lượng nguồn lao động. Con số 11.031 người được hỗ trợ học nghề trong 8 tháng qua là quá ít ỏi và chất lượng học nghề của NLĐ, số người trở lại thị trường lao động với tay nghề mới có đáp ứng yêu cầu hay không, đều là những vấn đề đáng phải quan tâm để có những giải pháp với tính khả thi cao.
Nguồn lực lao động Việt Nam là khá dồi dào. Do đó, cần tầm nhìn dài hạn từ cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp đến từng NLĐ. Không chỉ đòi hỏi từng NLĐ phải học hỏi, rèn luyện để có tay nghề ngày càng cao mà bản thân mỗi người phải năng động, thích nghi hoàn cảnh. Những ai quen sống dựa dẫm vào các chính sách, không chịu nâng cao tay nghề, tất yếu sẽ bị đào thải trên thị trường lao động.
Bình luận (0)