Chiều 19-10, tại cuộc họp báo quý III/2023 của Bộ Tư pháp, trả lời báo chí về việc một số trường hợp trúng đấu giá biển số xe ôtô với mức giá cao nhưng sau đó lại bỏ cọc, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết Nghị quyết 73/2022/QH15 thí điểm đấu giá biển số xe ôtô đã quy định về số tiền đặt trước của người tham gia đấu giá là 40 triệu đồng mỗi biển số.
Người trúng đấu giá biển số 51k-888.88 đã bỏ cọc
Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cũng đã quy định việc người trúng đấu giá không được nhận lại 40 triệu đồng khi bỏ cọc.
Theo bà Hoa, để hạn chế bỏ cọc, Luật Đấu giá tài sản hiện hành có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính...
"Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định những chế tài tương đối đầy đủ, trong đó nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính trong đấu giá"- bà Hoa cho hay.
Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cũng cho biết Bộ Tư pháp đang trong quá trình sửa đổi Luật Đấu giá tài sản. Trong nhiều nội dung sửa đổi, có việc tăng trách nhiệm, nghĩa vụ của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan liên quan.
Vừa qua, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã tổ chức các phiên đấu giá biển số xe ôtô. Bên cạnh các trường hợp trúng đấu giá đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, vẫn còn những trường hợp trúng biển số đẹp với giá "khủng" nhưng sau đó bỏ cọc, như biển số 51K-888.88 (TP HCM) giá trúng đấu giá là 32,34 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các biển số như 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỉ đồng); 30K-567.89 (Hà Nội, 13,075 tỉ đồng); 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỉ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỉ đồng), 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỉ đồng), người trúng đấu giá đều bỏ cọc. Các biển số này sẽ được đưa ra đấu giá lại.
Bình luận (0)