Tham dự sự kiện Đại lễ Phật đản tại chùa Đại Tuệ có ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, đông đảo bà con nhân dân, phật tử trong tỉnh…
Lễ an vị Phật tượng và thắp nến cầu nguyện hòa bình tại chùa Đại Tuệ. Ảnh: Hữu Thắng
Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tăng ni, phật tử trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngày đản sinh của Đức Phật đã được Liên Hiệp Quốc tổ chức hàng năm, là lễ hội tôn giáo thế giới nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo, vì hòa bình cho nhân loại.
Nhân dịp Đại lễ Phật đản, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức an vị kim thân Phật tượng và thắp nến cầu nguyện cho thế giới hòa bình, đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dịch bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Hoà thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban văn hóa Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, đã tuyên đọc thông điệp Đại lễ phật đản Phật lịch 2567 của Đức Pháp chủ Giáo hội phật giáo Việt Nam.
Tại sự kiện này, với sự kêu gọi của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ, thông qua Chương trình Từ thiện - Xã hội của Báo Người Lao Động, đã trao tặng 110 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Nam Anh.
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trao tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Nam Anh.
Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên động Thăng Thiên (thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An), ở độ cao 450 m so với mực nước biển. Chùa Đại Tuệ tương truyền có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lược nhà Đường (năm 627 sau Công nguyên). Đến thế kỷ thứ XV, ngôi chùa này được Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ - người có công giúp Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh.
Năm 1789, trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dừng chân ở đây chiêu mộ 10 vạn quân sĩ tổ chức huấn luyện ở trước sân chùa. Vua Quang Trung được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long. Thuận lời nhà sư, Vua Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh trước dự định 2 ngày.
Chiến thắng trở về, Hoàng đế xuống chiếu cắt 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm. Do quá trình biến thiên của lịch sử và thời gian, chùa Đại Tuệ chỉ còn lại 3 bức tường rêu phong và một mái nhà tranh, sau đó đã được xây dựng lại.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận tại Đại lễ Phật đản, thắp nến cầu nguyện hòa bình tại chùa Đại Tuệ:
Nằm ở độ cao gần 500 m so với mực nước biển, chùa Đại Tuệ tọa lạc ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm TP Vinh khoảng 21 km về phía Tây, đường lên chùa Đại Tuệ Nam Đàn khá thuận tiện. Ngày 16-4-2011, chùa Đại Tuệ chính thức được khởi công xây dựng lại. Chùa tọa lạc trên diện tích 20 ha, với 20 hạng mục, trong đó có 4 ngôi bảo điện chính, được trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi, bắt đầu là chùa Trình, tiếp theo là chùa Hạ, chùa Trung và trên đỉnh là chùa Thượng. Chùa được thiết kế dựa trên tư tưởng tam thân Phật, với ý nghĩa chùa Hạ đại diện cho ứng thân Phật, chùa Trung đại diện cho báo thân Phật và chùa Thượng đại diện cho pháp thân Phật.
Sau 4 năm xây dựng, chùa Thượng đã hoàn thành với bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng cao 32 m thờ thất Phật và Phật mẫu Đại Tuệ, Phật Di Lặc, đại hùng bảo điện 2 tầng với diện tích 1.200 m2, nhà Tổ diện tích 300 m2, nhà thờ Ngũ đế diện tích 300 m2, nhà kỷ niệm đường 250 m2, Hồ Tiên (ao sen) diện tích 500 m2 cùng với khu Tăng xá… Đặc biệt, toàn bộ hệ thống tượng pháp trên đại tháp chùa Thượng được thiết kế toàn bằng ngọc quý; tượng pháp trong đại điện cũng như Tổ đường và nhà thờ Ngũ đế được làm từ gỗ dâu nguyên khối. Bên cạnh đó, tất cả câu đối đại tự trên chùa Đại Tuệ được viết toàn bằng chữ thuần Việt.
Lễ an vị Phật tượng tại chùa Đại Tuệ
Đông đảo tăng ni, phật tử ở tỉnh Nghệ An tham dự Đại lễ phật đản, thắp nến cầu nguyện hòa bình tại chùa Đại Tuệ
Tăng ni, phật tử và các đại biểu tham dự an vị Phật tượng và thắp nến cầu nguyện cho thế giới hòa bình
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tặng hoa chúc mừng Đại lễ Phật đản tại chùa Đại Tuệ
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, và phu nhân tặng hoa chúc mừng Đại lễ Phật đản tại chùa Đại Tuệ
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trao tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Nam Anh
Bình luận (0)