Lý do chính đáng của đề xuất trên là hiệu trưởng các trường nếu làm tốt vai trò của mình thì đã đủ chức năng, quyền hạn để chịu trách nhiệm đối với hoạt động của nhà trường, của giáo viên. Nếu vậy, phải chăng việc duy trì cấp quản lý giáo dục ở cấp huyện đã không còn phù hợp, nhất là trong giai đoạn biên chế "nở nồi" như hiện nay?
Biên chế ngành giáo dục đang cồng kềnh, công tác quản lý của cấp phòng lại gây chồng chéo, đôi lúc lạm quyền khiến hiệu trưởng các trường than khó tự chủ, khó sáng tạo.
Ngành giáo dục đang chiếm 52% biên chế sự nghiệp cả nước (1,2 triệu trong tổng số 2,3 triệu người). Tỉ lệ cán bộ quản lý trên giáo viên ở cấp mầm non là 35.833/132.294, chiếm 27%; tiểu học 35.010/363.249, chiếm 9,64%; trung học cơ sở 24.627/207.085, chiếm 11,9%.
Câu chuyện biên chế ngành giáo dục đã gây nhức nhối bao năm qua nhưng ít khi được mang ra phân tích và mổ xẻ tận gốc vấn đề. Trong khi đó, ngành này nào phải chỉ "lâm bệnh" ở cấp quản lý phòng mà nó đã trầm kha từ đào tạo mầm non đến... tiến sĩ.
Với cấp thấp nhất là mầm non, mỗi mùa tựu trường là phụ huynh lo bạc đầu. Kiếm được một suất ở trường công quá khó khăn, xếp hàng từ tờ mờ sáng, thậm chí phải chạy trường, chạy lớp. Đến cấp tiểu học, trung học cơ sở cũng không khá hơn. Trường cùng tuyến, trái tuyến cứ rối mù. Vào đại học tình hình càng rối rắm. Hệ thống thi cử, điểm tuyển sinh, điểm ưu tiên, nguyện vọng vào trường... thay đổi liên tục, càng đổi càng rối. Tiếp đến là điểm đầu vào của các trường, chất lượng tuyển sinh... như ma trận.
Chúng ta cứ mãi tự hào suông về số lượng sinh viên ra trường mỗi năm, lượng tiến sĩ ồ ạt được cho ra lò nhưng nói thẳng, chỉ một số ít trường có uy tín lâu năm mới giữ được chất lượng đào tạo. Và chất lượng này cũng chỉ có giá trị quẩn quanh trong nước, rất dễ bị từ chối khi tiếp tục học hành ở nước ngoài.
Còn chương trình đào tạo, học sinh học bù đầu từ sáng đến tối, về nhà học thêm cũng không đủ. Học như cái máy, nặng nề đối phó thì trẻ em nào còn sự sáng tạo, phát huy những khả năng riêng và hưởng thụ cuộc sống? Mặt khác, chương trình học thường xuyên cải cách, tốn cả núi tiền nhưng tính ưu việt chưa thấy. Mô hình quản lý, chương trình đào tạo cho từng cấp học của các nước có nền giáo dục thành công không thiếu. Vậy thì không có lý do gì không học hỏi để ‘"đại phẫu" ngành giáo dục nhà.
Sản phẩm giáo dục rất đặc biệt, nếu quản lý bất cập sẽ gây "lỗi" cho cả thế hệ mai sau và tất nhiên trả giá lớn nhất chính là con người và quốc gia. Thực tế, chúng ta đang trả giá cho không ít sản phẩm giáo dục yếu kém từ quá khứ.
Bình luận (0)