Chiều 9-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai len cho Chương trình 135.
Tại buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Đại sứ Ai len tại Việt Nam vừa có thư phản ánh sự chậm trễ trong việc giải ngân nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước này dành cho Việt Nam đến Chủ tịch Quốc hội.
Cụ thể, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai len cho các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 trong giai đoạn 2017-2020.
Từ tháng 11-2017, nhà tài trợ đã chuyển tiền vào ngân sách Nhà nước theo đúng cam kết 3 triệu EUR, tương đương 79,854 tỉ đồng, để thực hiện trong năm 2018. Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến tháng 9-2018 sẽ phải báo cáo tiến độ giải ngân nguồn vốn viện trợ này, nếu không có ít nhất 50% công trình được khởi công thì có khả năng sẽ bị cắt viện trợ các năm tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị khẩn trương giải quyết kịp thời vướng mắc.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Chính phủ ngày 1-8-2018 vừa có tờ trình về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai len cho Chương trình 135. Đến nay Chính phủ mới có tờ trình về vấn đề này là quá chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rút kinh nghiệm về việc chậm trễ; khẩn trương xem xét trình cấp có thẩm quyết giải quyết kịp thời vướng mắc, tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Để đảm bảo thực hiện đúng cam kết với nhà tài trợ, tránh bị hủy dự toán do quá thời hạn quy định, Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về mặt nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ dự án và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 việc bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 là 79.854 triệu đồng từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai len cho 5 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
Cần địa chỉ trách nhiệm cụ thể
Cũng trong chiều 9-8, cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016., bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội mong muốn đoàn giám sát trả lời câu hỏi công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 có yếu kém không, thất thoát không, tốt, xấu như thế nào? Việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả không? Có đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay không? "Có những con số rất trăn trở: như Chương trình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2013, có những tỉnh có 24,8% công trình không hoạt động và 14,3% công trình hoạt động kém hiệu quả, như vậy có đến 39,1% công trình không hoạt động và hoạt động không hiệu quả"- bà Hải nêu.
Báo cáo cũng nêu lên một số ví dụ về sử dụng vốn thiếu hiệu quả như: Công trình cầu Hưng - Hà xây xong nhưng chưa hoàn thành đường nối, chưa đưa vào khai thác sử dụng, chưa phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội. Dự án phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải, kết quả kiểm toán Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 cho thấy, hệ thống đường giao thông chưa tương xứng với quy mô bến cảng; công suất thiết kế của các cảng đã xây dựng và đưa vào hoạt động vượt công suất so với quy hoạch...
"Theo số liệu các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội: Năm 2011 giải ngân vốn ODA vượt dự toán 5.775 tỉ đồng, năm 2012 vượt 17.143 tỉ đồng, năm 2013 vượt 29.422 tỉ đồng, năm 2014 vượt 26.169 tỉ đồng, năm 2015 vượt 30.725 tỉ đồng, năm 2016 vượt 17.033 tỉ đồng. Hầu như tất cả đều tăng rất cao so với dự toán, vậy công tác thanh tra, kiểm tra như thế nào? Có bao nhiêu tập thể, cá nhân đã hoặc đang bị nghiên cứu, xem xét trách nhiệm trong những việc không đúng với quy định này?"- bà Hải nêu câu hỏi.
Bình luận (0)