Khoan nói tới diện tích đất này, tương ứng giá trị trên 900 tỉ đồng - một con số không hề nhỏ, cái lớn hơn và rất đáng trân trọng là nhờ có nguồn đất hiến ấy mà Phú Nhuận thực hiện được 54 dự án mở rộng đường, hẻm.
TP HCM nói chung và quận Phú Nhuận nói riêng là nơi có nguồn thu ngân sách khá lớn so với nhiều địa phương khác. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc luôn có sẵn tiền để khi cần là rút công quỹ ra chi ngay. Bởi lẽ, mở rộng 1-2 đường, hẻm thì dễ chứ làm đồng loạt như thế thì không cách gì có tiền ngay. Nếu thủng thẳng năm nay một chút, năm kia một đoạn thì đến bao giờ mới có những đường, hẻm thông thoáng, khang trang; chưa nói đến chuyện chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan, cải thiện an ninh trật tự...?
Đường sá chật hẹp thì khó mà nói chuyện nâng cao chất lượng sống cho người dân. Chưa kể, mạng sống của họ cũng chơi vơi khi hỏa hoạn. Người dân sống trong những hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, cua khúc cũng không dám mạnh dạn đầu tư vốn để sản xuất, kinh doanh tại nhà nhằm cải thiện thu nhập.
Cũng chuyện vận động nhân dân tham gia các phong trào, hẳn nhiều người còn nhớ tháng 6-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thư chúc mừng và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vì triển khai "Ngày Chủ nhật xanh" với nhiều ý nghĩa thiết thực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, được dư luận cả nước đánh giá cao.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát động toàn bộ hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân làm sạch môi trường, làm cho TP Huế vốn thơ mộng nay lại có không gian "xanh - sạch - sáng". Thời điểm Thủ tướng có thư khen là lúc việc dọn rác và vệ sinh môi trường không chỉ ở TP Huế mà là toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ các địa phương cho đến cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cụm dân cư... đã trở thành một hoạt động thường nhật. Bây giờ đến Huế, du khách sẽ thấy rất nhiều nhóm người là công chức, hưu trí, học sinh, bộ đội, công an... đi nhặt rác.
Những việc như quận Phú Nhuận hay tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm tuy rất dễ nhưng cũng rất khó. Dễ vì khi dân chúng đã đồng thuận thì khó mấy họ cũng sẵn sàng tham gia, thậm chí hỗ trợ cả "đất vàng". Ngược lại, khi dân không đồng thuận với những mệnh lệnh để làm phong trào hay lập thành tích thì khó có hiệu quả. Bởi vậy, nhìn thì dễ nhưng không phải địa phương nào cũng làm được.
Thành công trong câu chuyện ở quận Phú Nhuận hay tỉnh Thừa Thiên - Huế chính là nhờ làm tốt công tác dân vận. Người dân khi đã được tuyên truyền, vận động và đi đến đồng thuận thì dù khó khăn đến mấy, họ cũng sẵn sàng cùng chính quyền để làm những việc ích nước lợi dân.
Nguyên lý ấy từng được ông cha ta tổng kết rất rõ: Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân; có dân thì có tất cả, mà mất dân là mất hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc lại câu ca dao mà đồng bào ta thường nói: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" để khẳng định vai trò, sứ mệnh của dân trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Bình luận (0)