Mối lo rác thải sinh hoạt chồng chất lâu ngày phát sinh ô nhiễm môi trường, kéo theo dịch bệnh nguy hiểm đã được giải tỏa khi người dân ở quanh bãi rác Nam Sơn không còn dựng lều lán ngăn chặn xe chở rác ra vào bãi rác thải lớn nhất TP Hà Nội nằm ở huyện Sóc Sơn này.
Lý do khiến người dân gần bãi rác Nam Sơn có hành động bột phát làm ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân trong nội thành là do họ đã phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài gần 20 năm sinh sống cạnh bãi rác thải lớn nhất TP. Suốt ngần ấy năm "chịu trận" với ô nhiễm và cuộc sống bị đảo lộn, người dân quanh bãi rác đã biết bao lần kiến nghị được hỗ trợ, đền bù, di chuyển xa bãi rác nhưng đâu vẫn hoàn đó. Quá bức xúc, hồi năm 2016, người dân Nam Sơn cũng từng một lần ngăn chặn xe chở rác với yêu cầu đáp ứng kiến nghị suốt nhiều năm qua. Khi ấy Chủ tịch UBND TP cũng đã tới đối thoại và hứa hẹn giải quyết với dân, song 2 năm trôi qua thì lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.
Liệu phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mà chính quyền TP Hà Nội cam kết với dân để giải tỏa bức xúc, tháo gỡ cuộc "khủng hoảng" rác có sớm thành hiện thực? Chắc chỉ thời gian mới có câu trả lời.
Tình trạng người dân bức xúc vì vấn đề ô nhiễm môi trường từng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Điều đó cho thấy, xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề nan giải. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm rác thải có thể là nguyên nhân gây nhiều bệnh như hen suyễn, dị ứng, bệnh đường hô hấp, tim mạch… và đặc biệt là ung thư. Vấn đề lớn và nghiêm trọng vậy nhưng nếu nhìn vào những nơi để người dân phải chặn xe chở rác có thể thấy nơi đó đã không quan tâm và giải quyết bức xúc của người dân.
Ngoài chuyện chặn xe chở rác, cũng có thể còn thấy nhiều hành động bột phát tương tự của người dân khi một vấn đề ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hằng ngày của họ đã không được xem xét, giải quyết. Và dù nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những hành vi phản ứng bột phát có khác nhau trong từng vụ việc khác nhau, song tựu trung nó có cùng căn nguyên. Đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân của một số người thực thi công vụ.
Đã có những quy định, chế tài cụ thể để xử lý những công bộc "lãnh cảm" trước bức xúc của dân, như mới đây nhất là Đề án Văn hóa công vụ. Song chuyện dân "nóng", một số cán bộ "lạnh" vẫn xảy ra như vụ dân Nam Sơn chặn xe rác. Nếu không xử lý trách nhiệm của những quan chức hữu trách trong các vụ việc như vụ "khủng hoảng" rác ở Hà Nội thì những hành động bột phát của người dân vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, với chuyện này hay chuyện khác.
Bình luận (0)