Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) ở xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) là nơi tập kết rác chủ yếu của TP Hà Nội nhưng người dân bị ảnh hưởng bởi bãi rác chặn không cho xe chở rác vào đổ từ tối 10-1 khiến rác ở 12 quận của TP bị ùn ứ, chất đống trên đường phố. Nỗi lo sợ rác "đè" của người dân Hà Nội đã được giải tỏa vào 16 giờ ngày 14-1, khi chính quyền địa phương đến gặp gỡ và mời người dân về trụ sở thôn để nhận thông báo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Sống trong khốn khổ và chờ đợi
Theo người dân, đây là lần đầu tiên họ nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác Nam Sơn, nên họ đã nhanh chóng tháo dỡ lều trại, rời các vị trí chốt chặn để xe chở rác di chuyển được vào khu tập kết rác.
Trở lại câu chuyện tối 10-1 với hàng chục người dân xã Nam Sơn bắt đầu tập trung ngăn cản xe vào đổ rác tại bãi rác Nam Sơn, đại diện các hộ dân cho rằng việc chặn xe chở rác cũng là việc bất đắc dĩ, bởi thực lòng họ chỉ mong chính quyền thực hiện lời hứa và cũng để cho hàng trăm người dân sống xung quanh bãi rác gần 20 năm qua được hưởng những quyền lợi xứng đáng mà họ được hưởng. Đó là việc TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã chậm thực hiện các chính sách với người dân bị ảnh hưởng vì bãi rác Nam Sơn, trong đó có việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân; vị trí và diện tích dành cho mỗi hộ dân ở khu tái định cư. "Bãi rác Nam Sơn được đưa vào hoạt động từ năm 1999, từ khi đưa vào hoạt động đã khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn. 20 năm qua người dân phải sống chung với ô nhiễm, nhiều lần chính quyền TP cũng như chính quyền huyện hứa giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Chúng tôi đã quá khốn khổ với ô nhiễm và quá bức xúc với việc chờ đợi được giải quyết quyền lợi nên mới làm vậy" - bà Nguyễn Thị Lý (thôn Đông Hương, xã Nam Sơn) nói. Bà cũng cho biết nguồn nước thì bị ô nhiễm, ruộng đất không canh tác được nên hiện gia đình bà và nhiều hộ khác sống ở nhà mình như một việc bất đắc dĩ vì không còn cách nào khác.
Rác thải bị ùn ứ nghiêm trọng ở nội thành Hà Nội khi người dân chặn không cho xe rác vào bãi rác Nam Sơn
Cùng chung nỗi bức xúc, bà Trần Thị Dung (68 tuổi), nhà ở cách bãi rác Nam Sơn vài chục mét, cho biết năm 2016, người dân cũng bức xúc nên chặn xe chở rác như hiện nay, khi đó ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã về tận nơi để đối thoại với người dân và hứa trước người dân sẽ đền bù, di dời những hộ dân ra khỏi khu vực bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đến nay đã hết hạn nhưng lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. "Nhiều người thuộc thế hệ như tôi sống xung quanh khu vực bãi rác hiện nay ít nhiều đều mang bệnh về hô hấp và nhiều bệnh về da khác. Ai cũng mong muốn được đền bù để di dời hoặc hãy đóng cửa bãi rác trả lại cuộc sống, môi trường cho dân như trước đây" - bà Dung mong muốn.
Trong khi đó, theo ghi nhận đến trước giờ bãi rác Nam Sơn được "giải cứu" thì tại hầu hết các khu vực thu gom rác trong các quận nội thành Hà Nội, rác thải ùn ứ chất đống, công nhân môi trường chỉ biết thu gom lại một chỗ mà không thể vận chuyển đi được. Người dân trong nội thành cũng phải sống chung với rác nhiều ngày qua.
Giải quyết dứt điểm trong quý II/2019
Trước nỗi bức xúc của người dân, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan của TP nhằm ổn định tình hình. Cụ thể, đến trước ngày 30-3, huyện Sóc Sơn sẽ khảo sát số lượng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân, bảo đảm tiến độ giải quyết dứt điểm vụ việc trong quý II/2019. Ngoài ra, TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc giải phóng mặt bằng thực hiện theo chỉ giới quy hoạch bán kính 500 m quanh bãi rác Nam Sơn.
Trước đó, liên quan đến vấn đến việc hỗ trợ bồi thường đối với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi bãi rác, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP.
Cụ thể, đối với cá nhân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ 0-150 m được hỗ trợ 133.000 đồng/người/30 ngày; từ 150-300 m được hỗ trợ 106.000 đồng/người/30 ngày; từ 300-600 m được hỗ trợ 84.000 đồng/người/30 ngày; từ 500-600 m được hỗ trợ 80.000 đồng/người/30 ngày; từ 600- 800 m được hỗ trợ 54.000 đồng/người/30 ngày; từ 800-1.000 m được hỗ trợ 27.000 đồng/người/30 ngày.
Riêng đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường, nghị quyết HĐND quyết định diện tích đất từ 0-500 m được hỗ trợ 170 đồng/m2/năm; đối với khoảng cách từ 500-1.000 m, hỗ trợ 102 đồng/m2/năm.
Bình luận (0)