Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 4-6,Ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), xác nhận một số người dân ở thôn 16 (xã Ea Rốk) đã phản ứng khi tổ chức tiêu hủy heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi tại thôn.
Vận chuyển heo bị dịch heo châu Phi tới thôn 16 tiêu hủy. Ảnh B.N
Theo ông Đồng, sau khi có kết quả xét nghiệm đàn heo của 2 hộ gia đình ở thôn 12 và thôn 18 bị dịch tả heo châu Phi, lực lượng chức năng đã họp bàn công tác phòng chống dịch bệnh và tiêu hủy 55 con heo bị bệnh. Do quỹ đất tại 2 thôn trên không có nên lực lượng chức năng đã họp bàn và xin ý kiến cấp trên về việc vận động 1 hộ dân trong địa bàn thôn 16 có khu đất rẫy rộng để tổ chức tiêu hủy. "Việc tiêu hủy được thực hiện theo quy trình nhưng khi đoàn đang tiến hành tiêu hủy thì một số hộ dân ra cản trở nói sao đưa dịch bệnh về đây" – ông Đồng nói.
Còn theo ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đắk Lắk, vị trí tiêu hủy đảm bảo về quy định về khoảng cách khu dân cư, nguồn nước. Cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu độc khử trùng trước khi vận chuyển đảm bảo đúng quy định. "Đúng ra dùng xe đông lạnh, thùng kín để vận chuyển heo và càng gần càng tốt. Tuy nhiên quỹ đất gần không có, để đi thuê được xe đông lạnh phải chờ mấy ngày thì nguy cơ lây lan bệnh tật cao hơn nên dùng xe công nông lót bạt để vận chuyển, hạn chế được rơi vãi" – ông Vũ cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi như vậy người dân phản ứng cũng có cơ sở, ông Vũ nói: "Người dân phản ứng thứ nhất là khu vực tiêu hủy ở 1 thôn chưa có dịch, thứ 2 là vận chuyển xa. Chắc chắn vận chuyển xa thì ảnh hưởng hơn gần nhưng phụ thuộc vào quỹ đất"
Đến nay Đắk Lắk ghi nhận 3 ổ dịch heo châu Phi với số lượng 149 con. Ảnh B.N
Trước đó, trong 2 ngày 31-5 và 1-6, hộ gia đình ông Cao Ngọc Đình (thôn 18) và hộ ông Đinh Quốc Tuấn (thôn 12, xã Ea Rốk) báo đến cơ quan chức năng đàn heo của gia đình có hiện tượng bỏ ăn, da hồng nhạt. Cùng thời gian trên, Đồn biên phòng Yok Mbre (xã Ea Bung) cũng phát hiện đàn heo 60 con của đồn có 20 con bỏ ăn, ốm chết và báo cáo cho cơ quan chức năng.
Sau khi có kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm đều bị dịch tả heo châu Phi, ngày 3-6, UBND huyện Ea Súp đã tổ chức họp khẩn, triển khai công tác phòng chống dịch và tiến hành tiêu hủy 116 con heo mắc dịch tả heo châu Phi với khối lượng gần 4 tấn. Đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk ghi nhận 4 ổ dịch tả heo châu Phi tại TP Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp, với tổng số heo tiêu hủy là 149 con.
Bình luận (0)