Sáng 25-5, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi ở các tỉnh phía Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, ổ bệnh đầu tiên xuất hiện ngày 1-2 tại tỉnh Hưng Yên, đến hết ngày 24-5 bệnh đã xuất hiện tại 42 tỉnh - thành, 265 huyện, 2.904 xã, với tổng số heo bị bệnh hơn 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hậu Giang ngày 11-4 đến nay đã lây lan sang 8/18 tỉnh - thành. Tuy số lượng heo bệnh phải tiêu hủy không lớn, chỉ hơn 5.000 con nhưng rải rác ở nhiều nơi.
TP HCM khẩn trương chống dịch bảo đảm nguồn thịt an toàn cho người dân
"Hiện nay, miền Nam bước vào mùa mưa, nền nhiệt thay đổi liên tục, rất thuận lợi cho bệnh tả heo châu Phi phát triển. Các địa phương ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen khó kiểm soát. Vì vậy mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan sang tất cả địa phương chưa có dịch trong toàn khu vực. Các địa phương phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với các tình huống xấu hơn như trường hợp xảy ra với hộ nuôi quy mô lớn, các địa phương đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy heo bệnh cuối cùng bệnh vẫn có thể quay lại" - ông Cường cảnh báo.
Về bệnh tả heo châu Phi, ông Cường nhấn mạnh hiện chưa có vắc-xin ngừa, chưa có thuốc chữa, gây chết 100% trên heo và chỉ có thể phòng bằng an toàn sinh học. "Nói thì dễ nhưng cơ quan thú y phải cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết cho người dân về an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng dùng thuốc như thế nào, liều lượng ra sao? Hay đơn cử như khuyến cáo người nuôi, chủ các trang trại không nên đi ăn cỗ ở các vùng dịch vì nguy cơ mang mầm bệnh về trại rất cao" - ông Cường dẫn chứng.
Theo ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), có tình trạng người dân khi xảy ra dịch không khai báo ngay nên thời gian xử lý ổ dịch kéo dài từ 5 đến 10 ngày khiến mầm bệnh lây lan. Công tác tiêu hủy heo mắc bệnh chưa bảo đảm kỹ thuật, người thực hiện không mặc trang phục bảo hộ lao động; một số địa phương chưa dự trữ đủ vôi bột và hóa chất sát trùng dẫn đến thiếu hụt cục bộ phải điều xe chạy đi chạy lại bổ sung khiến dịch bệnh lây lan từ chính phương tiện chống dịch. Một mối lo khác, tại Tây Nam Bộ là tình trạng ngập úng, hố chôn bị ngập nước gây khó khăn trong công tác tiêu hủy.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 11 hộ, 9 xã, 4 huyện, phải tiêu hủy 2.181 con heo. Công tác dập dịch ban đầu gặp phản ứng của một số hộ dân, họ chỉ chấp nhận tiêu hủy heo đã chết, không cho xử lý heo còn sống và thức ăn chăn nuôi tồn nên phải cưỡng chế. Việc truy tìm nguyên nhân truyền bệnh cũng gặp trở ngại do một số người dân không hợp tác, đến khi công an vào cuộc mới truy ra nguồn lây. "Đến nay, các xã đều thành lập lực lượng phản ứng nhanh để xử lý các ổ dịch. Đồng Nai hỗ trợ tiêu hủy tùy loại như heo nái, heo thịt, heo con thay vì cân ký vì quá vất vả cho người thực hiện và nguy cơ lây bệnh" - ông Chánh nêu kinh nghiệm.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho rằng bất cập hiện nay là giá đền bù 38.000 đồng/kg nhưng không thấp hơn 80% giá thị trường. Thực tế giá heo hơi tại địa phương chỉ còn khoảng 35.000 đồng/kg nên cần điều chỉnh lại, tránh tình trạng trục lợi. n
Bình luận (0)