Tại hội nghị thông tin về công tác trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - cho biết đơn vị đang nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện quy định xử lý nghiêm các trường hợp mua bán xe, sang tên đổi chủ mà không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký. Ngoài ra, Cục CSGT cũng đề xuất thảo luận thêm về việc người dân khi đi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng. "Việc đăng ký tài khoản ngân hàng sẽ giúp cảnh sát dễ dàng hơn trong xử phạt vi phạm, đồng thời tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần" - Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng lý giải.
Số tiền "chết" rất lớn
Về đề xuất này, đại tá Trần Sơn - nguyên Phó Phòng Tuyên truyền, hướng dẫn luật (Cục CSGT) - cho rằng người dân có tiền mua xe thì việc mở tài khoản là rất bình thường ở nhiều nước trên thế giới. Xử phạt qua tài khoản không những giúp minh bạch, hạn chế tiêu cực mà còn tiết kiệm thời gian cho người dân. Theo đại tá Sơn, tiền ở trong tài khoản của chủ xe, lúc nào chủ xe muốn đều kiểm tra được và chỉ khi vi phạm mới bị trừ tiền. Quá trình xử phạt có vấn đề gì, người vi phạm có thể khiếu nại quyết định xử phạt.
Cảnh sát Giao thông Hà Nội xử phạt người vi phạm
"Tuy nhiên, muốn làm được việc này cần có lộ trình cụ thể. Trước mắt, có thể áp dụng đối với chủ sở hữu ôtô rồi mới đến xe máy. Ngoài ra, để việc này khả thi thì bắt buộc phải đưa quy định vào luật và lấy ý kiến rộng rãi người dân trước khi thực hiện" - ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại tá Trần Sơn cũng băn khoăn nếu bắt buộc phải có một số tiền nhất định trong tài khoản của mỗi chủ xe thì số tiền "chết" là rất lớn, trong trường hợp cả năm không vi phạm lần nào thì rất lãng phí. Còn nếu tài khoản đó 0 đồng thì lấy gì CSGT trừ?
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng việc mở tài khoản ngân hàng là cần thiết. Thực tế, ngân hàng sẽ hướng dẫn và phục vụ tận tình với khách hàng, đối với những người mua một chiếc ôtô thì đương nhiên việc mở tài khoản ngân hàng không có gì khó khăn.
Theo ông Hùng, với mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ việc nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông nhưng vẫn còn một bộ phận người lái xe chấp hành luật giao thông chưa tốt. Do vậy, cần đồng bộ hóa, tránh các tiêu cực đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì trước tiên, người dân phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Chưa phù hợp thời điểm
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khẳng định đề xuất này là không khả thi vì hiện người dân Việt Nam chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt. "Thậm chí, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn không biết tài khoản là gì" - luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, nếu bắt buộc người dân thực hiện một cách miễn cưỡng thì họ sẽ mở tài khoản ngân hàng để đăng ký xe xong rồi bỏ luôn tài khoản đó. Do vậy, nếu tài khoản đó không có tiền thì muốn xử phạt cũng không làm gì được. "Chúng ta không thể so sánh với các nước phát triển nên cũng không thể áp dụng máy móc giống như họ. Đến khi nào lượng tiền mặt lưu thông ít đi, thanh toán bằng giao dịch điện tử tăng thì mới khả thi" - luật sư Cường nhấn mạnh
Luật sư Đặng Văn Cường cũng phân tích thêm: Việc bắt buộc mở tài khoản ngân hàng không khác gì đóng phạt trước, dù chưa vi phạm giao thông có thể vi phạm quyền định đoạt về tài sản của công dân. Đề xuất này không phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Anh Đặng Văn Định, chủ nhà xe tại tỉnh Nam Định, cho rằng việc nộp phạt qua tài khoản ngân hàng là hình thức tiến bộ khi tham gia giao thông, song áp dụng thời điểm này là chưa phù hợp nên cần nghiên cứu thêm. "Đơn cử, bản thân tôi là chủ xe nhưng thuê rất nhiều tài xế để lái cho mình. Vậy lúc tài xế vi phạm thì tôi sẽ là người bị trừ tiền trong tài khoản, như vậy không đúng" - anh Định đặt vấn đề.
Theo anh Định, hiện có nhiều phương tiện được tham gia giao thông nhưng không phải do chính chủ điều khiển. Do đó, nếu những người này vi phạm nhưng họ lại không đóng tiền thì không có sự công bằng với các công dân khác.
Tai nạn giao thông và số người chết giảm so với năm 2018
Theo thống kê của Cục CSGT, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 8.051 vụ tai nạn giao thông, làm 3.755 người chết, bị thương 6.185 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ giảm 1.020, giảm 428 người chết và 864 người bị thương. 98% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ.
CSGT cũng xử lý hơn 1,8 triệu vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 1.200 tỉ đồng, tạm giữ trên 21.000 ôtô, 258.000 xe máy và gần 3.000 phương tiện khác, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 174.000 trường hợp. Trong đó có 239 vụ tài xế vi phạm về ma túy, hơn 73.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ vi phạm phải xử lý giảm gần 46.000 trường hợp, tiền phạt giảm hơn 48,5 triệu đồng.
Bình luận (0)