Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc triển khai Nghị quyết số 113/2015/QH13 và Nghị quyết số 33/2016/QH14 của QH về tiếp tục thực hiện các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn phục vụ kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV. Những con số được đưa ra tại báo cáo khiến nhiều ĐB... choáng.
Không sát với thực tế
Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc đánh giá, phân loại công chức được thực hiện theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP; Nghị định số 88/2017/NĐ-CP. Cụ thể, tính đến ngày 22-4-2019, Bộ Nội vụ đã nhận và tổng hợp số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 19/33 bộ, ngành trung ương và 45/63 địa phương (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
Kết quả tổng hợp cho thấy đối với công chức, trong tổng số 284.668 người, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 76.695 người, chiếm 26,94%; hoàn thành tốt nhiệm vụ: 197.377 người, chiếm 69,34%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 6.732 người, chiếm 2,36%; không hoàn thành nhiệm vụ: 1.690 người, chiếm 0,59%.
Đối với viên chức, trong tổng số 1.104.393 người có 300.866 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 27,24%; 740.792 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 67,08%; 70.042 người hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 6,34%; 4.244 người không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 0,38%.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 23-5 sau khi Bộ Nội vụ công bố báo cáo, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, tỏ ra bất ngờ về "thành tích" này.
Theo ông, đây là con số chỉ mang tính chất báo cáo hành chính, không sát với thực tế. "Tại sao chưa tới 1% công chức, viên chưa không hoàn thành nhiệm vụ? Báo cáo này theo tôi chưa chính xác. Tôi cho rằng trên thực tế con số này còn cao hơn gấp nhiều lần" - ông Lê Quang Thưởng nhận xét.
Ông Lê Quang Thưởng cho rằng một cơ quan cấp bộ như Bộ Nội vụ mà đưa ra con số quá đẹp như vậy thì việc người dân hoài nghi là hoàn toàn có cơ sở. "Để có báo cáo chính xác, khách quan gửi tới QH, không thể tổng hợp cách máy móc từ các địa phương gửi lên mà phải khảo sát, kiểm tra, đánh giá tính trung thực của các báo cáo đó" - ông Thưởng nói.
Công chức UBND phường 6, quận 3, TP HCM trong giờ làm việc. Đây là một trong những cơ quan được đánh giá làm việc hiệu quả Ảnh: Hoàng Triều
Làm theo kiểu "dĩ hòa vi quý"
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH, cho rằng nếu "chỉ dựa vào số liệu báo cáo thì đúng là như vậy". Nhưng thực ra, đã từng có đánh giá chỉ có khoảng 70% công chức có tinh thần làm việc, còn lại là "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". "Trước đây, vấn đề này cũng từng được đưa ra thảo luận ở QH rồi" - ông Nhưỡng nói.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, việc đánh giá về công chức, viên chức lâu nay chưa thực chất, mang tính hình thức. "Hình thức đánh giá cũng như nội dung đánh giá theo kiểu dĩ hòa vi quý, thậm chí còn nịnh bợ nhau. Đây là hạn chế tồn tại đã lâu nhưng chưa khắc phục được" - ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Trả lời về việc làm sao để khắc phục việc đánh giá công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ một cách thực chất, phó Ban Dân nguyện nhấn mạnh phải căn cứ vào vị trí việc làm. "Phải giao việc làm để cho ra sản phẩm - tức là căn cứ vào năng suất lao động thực tế, sản phẩm thực tế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu anh không làm được sản phẩm đúng tiến độ, chất lượng, không đáp ứng yêu cầu là không hoàn thành nhiệm vụ" - ông Nhưỡng nêu.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, chính vì sự dễ dãi và đơn giản trong đánh giá, phân loại nên thực tế cho thấy có những người được khen thưởng cấp này, cấp kia; quy hoạch vào vị trí này, nọ… rồi sau đó lại bị kỷ luật. "Chính vì đánh giá chưa thực chất nên đã ảnh hưởng đến công tác cán bộ, làm ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy nhà nước, làm suy yếu và suy giảm lòng tin của người dân đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta" - ĐB Nhưỡng nêu quan điểm.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội):
Số liệu thật khó tin tưởng
Nếu chúng ta lạc quan rằng chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức được phân loại không hoàn thành nhiệm vụ trong khi gần hết thảy công chức, viên chức hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đã chẳng có công cuộc "đốt lò" cứ dài dằng dặc.
Dù Bộ Nội vụ chỉ tổng hợp từ báo cáo của các địa phương nhưng rõ ràng số liệu này thật khó để có thể tin tưởng về tính khách quan, chính xác.
Bình luận (0)