Trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CB-CC) có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Dù vậy cũng còn nhiều băn khoăn cần làm rõ.
Nhiều quy định tiến bộ
Theo khoản 2 điều 4 Luật CB-CC 2008, công chức bao gồm những người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Còn tại dự thảo luật mới, định nghĩa này đã không còn.
Quy định như vậy là hợp lý, vì trong thực tế cho thấy công chức khi đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và thực hiện hoạt động nghề nghiệp thì hầu hết không muốn chuyển sang giữ ngạch công chức. Trong khi đó, các trường hợp công chức được điều động sang làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thì đương nhiên vẫn giữ ngạch công chức. Từ đó dẫn đến vướng mắc, không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với đối tượng này. Hơn nữa, do đặc thù hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, khác với cơ quan hành chính nên trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp còn những vướng mắc, chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong thời kỳ mới.
Một điểm quy định tiến bộ là dự thảo bỏ cách phân loại công chức thành 4 loại theo các ngạch tương ứng (quy định tại khoản 1 điều 34 của Luật CB-CC 2008), bao gồm: Chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; chuyên viên chính hoặc tương đương; chuyên viên hoặc tương đương; cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.
Việc bỏ cách phân loại này là rất cần thiết, bởi lẽ hiện nay ở nhiều cơ quan, nhất là ở các vụ của bộ, ngành, sau khi xác định vị trí việc làm thì có trường hợp chuyên viên cao cấp làm các đầu việc không có gì khác biệt với chuyên viên chính. Giữa chuyên viên chính với chuyên viên cũng như thế!
Minh họa: Khều
Thay biên chế bằng hợp đồng
Thời gian qua, một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm đó là thời hiệu xử lý kỷ luật đối với CB-CC vi phạm.
Theo luật hiện hành, thời hiệu xử lý kỷ luật 24 tháng là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khi xử lý vi phạm. Trong thực tế, có một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng nhưng khi xét kỷ luật theo quy định của luật thì đã hết thời hiệu 24 tháng. Do đó, dự thảo luật mới nhìn ra lỗ hổng này nên sửa đổi theo hướng tăng thời hiệu xử lý kỷ luật lên 60 tháng.
Dự thảo đưa ra khá nhiều điểm mới nhưng bên cạnh đó vẫn còn những bất cập cần có quy định cụ thể.
Đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB-CC không đề cập việc CB-CC làm việc suốt hay "có vào có ra". Do vậy, để tạo động lực phấn đấu cho công chức, viên chức thì nhất thiết phải bỏ cái gọi là "công chức suốt đời"; đồng thời thay "chế độ biên chế" bằng "chế độ hợp đồng".
Kinh nghiệm nhiều quốc gia bỏ hẳn biên chế nên Việt Nam cũng cần thay đổi theo. Thay vào "biên chế suốt đời" phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy. Thực tế Trung Quốc đã bỏ "chế độ biên chế" mà thay vào đó "chế độ hợp đồng" linh hoạt. Từ những năm 2000, New Zealand cũng đã thực hiện việc này. Họ chỉ có hợp đồng công chức chứ không có biên chế suốt đời. Thậm chí, từ cấp thứ trưởng trở xuống cũng chỉ hợp đồng.
Bình luận (0)