Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thừa nhận mạng lưới giao thông đường thủy của TP có khả năng khai thác trên 975 km. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển giao thông thủy nhưng hiện nay tiềm năng này đang "ngủ quên".
Bên trọng, bên khinh
Theo các chuyên gia giao thông, ít nhất là hơn chục năm qua để giải quyết ùn tắc giao thông (UTGT), nhất là ở những khu vực cửa ngõ và các cung đường ra vào cảng, chính quyền TP HCM cũng như Sở GTVT TP đã tập trung gần như hoàn toàn cho đường bộ. Hàng loạt dự án mới, mở rộng đường được thực hiện nhưng xem ra tình trạng ùn tắc ở những điểm trên vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí ngày càng căng thẳng. Ùn tắc ngày càng nghiêm trọng ở cửa ngõ Tây Bắc hay các cung đường ra vào cảng Cát Lái đã nói lên tất cả, bởi đường sá ở các khu vực này chục năm qua đã mở rộng tăng vài lần nhưng vẫn không thể đáp ứng.
Dù có nhiều lợi thế nhưng lâu nay giao thông thủy ở TP HCM vẫn chưa được quan tâm đúng mức Ảnh: TẤN THẠNH
Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường thông tin: Chỉ tính riêng năm 2017, TP đã làm mới 106 km đường, 21 cây cầu nhưng những con số này thực tế chưa góp phần kéo giảm UTGT.
Bình luận về chuyện đường càng mở rộng lại càng kẹt, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng hiện nay do quá trình đô thị hóa quá nhanh nên đường bộ đã quá tải. Một phần khác hiện nay việc bố trí cảng của TP chưa thật sự phù hợp đã dẫn đến hạ tầng giao thông đường bộ không đáp ứng kịp. Theo ông Cương, lẽ ra trước thực trạng trên chính quyền phải "nhanh tay" phát triển giao thông thủy để cùng chia sẻ với đường bộ thì hình như đường thủy lại bị bỏ quên (!).
Còn theo ông Hà Ngọc Trường, Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP HCM, thì hệ thống cảng biển của TP hiện nay chưa thật sự phát triển đúng như tiềm năng hiện có do kết nối hạ tầng giao thông với cảng chưa phát triển. "Những năm qua, chúng ta chỉ mới chú ý đến đường bộ là chính, trong khi đường thủy chỉ đầu tư nhỏ giọt" - ông Trường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, khẳng định: Hiện để kéo giảm tình trạng UTGT ở các cửa ngõ TP và các cung đường quanh cảng biển thì chỉ còn cách duy nhất và tất yếu là phải đẩy mạnh phát triển giao thông thủy.
Bung đường thủy, cách nào?
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, giao thông thủy của TP chưa phát huy hết tiềm năng vì chưa gắn kết với đường bộ, đường sắt và hệ thống cảng. Chưa nói đến hiện nay hầu hết cầu ở khu vực TP đều có tĩnh không thấp, các tàu lớn không thể ra vào, hệ thống kênh rạch không được nạo vét thường xuyên nên độ sâu thấp. Vì vậy, để phát triển giao thông thủy thì nhất thiết phải khắc phục những hạn chế này.
Ông Sanh cho rằng từ trước đến nay, do tầm nhìn chiến lược của chúng ta chỉ chú ý đến đường bộ và đường sắt nên trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã để lại một số bất cập. "Bây giờ, để giao thông thủy TP phát triển, Bộ GTVT cần có lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, nhất là các tuyến đường thủy lớn nối kết TP HCM với khu vực ĐBSCL" - TS Phạm Sanh nhấn mạnh.
Giải bài toán trên, Sở GTVT
TP HCM khẳng định từ nay đến năm 2020, TP sẽ tăng cường các giải pháp xã hội hóa, khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, đầu tư hệ thống bến bãi. Cụ thể, năm 2018 sẽ hoàn thành nâng cấp cầu Bình Lợi, để tạo động lực phát triển vận tải đường thủy từ khu vực Tây Ninh, Bình Dương, phía Tây Bắc về các cảng khu vực TP HCM với cụm cảng Cái Mép. Nạo vét luồng kết hợp nâng cấp các cầu trên các tuyến kênh Rạch Chiếc - Trao Trảo - sông Tắc để khai thông luồng nối từ sông Sài Gòn đến sông Đồng Nai. Nạo vét kết hợp nâng cấp các cầu Ông Nhiêu, Rạch Đỉa, Rạch Dơi (Nhà Bè) để phát triển tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường thủy từ khu vực trung tâm TP với các tỉnh Long An, Tây Ninh qua các sông Vàm Cỏ Đông, Chợ Đệm, Bến Lức, rạch Dơi - sông Kinh về khu cảng Hiệp Phước.
Tiếp tục di dời bến bãi trên sông Sài Gòn, hoàn thiện bến Cát Lái trên sông Đồng Nai, bến trên sông Nhà Bè và bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp. Hoàn thành việc di dời, chuyển đổi, xây dựng mới công năng khu ICD Trường Thọ. Xây dựng cảng thủy nội địa trong Khu Công nghệ cao với diện tích 6 ha đáp ứng cho tàu 1.000 tấn.
Ông Bùi Xuân Cường cho rằng giải pháp căn cơ nhất chính là TP sẽ nghiên cứu bổ sung các luồng, tuyến kết nối nhanh hướng Đông Tây từ cửa sông Vàm Cỏ tới cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và từ sông Đồng Nai tới sông Thị Vải. Đồng thời, bổ sung các cảng sông ICD để gom hàng và vận chuyển tới các cảng lớn nhằm giảm bớt áp lực đối với giao thông đường bộ.
Xây cảng hành khách quốc tế tại mũi Đèn Đỏ
Ông Phạm Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý giao thông đường thủy Sở GTVT TP HCM, cho hay để đáp ứng hoạt động vận tải hành khách, TP đã chấp nhận cho một doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng cảng hành khách quốc tế tại mũi Đèn Đỏ (quận 7) với diện tích 18 ha, chiều dài cầu cảng 600 m. "Qua nhiều lần điều chỉnh, hiện chúng tôi đang đốc thúc nhà đầu tư sớm hoàn thiện dự án tiền khả thi để trình lãnh đạo thông qua" - ông Bằng nói.
Bình luận (0)