Ông Nguyễn Phú, cổ đông của một công ty môi giới bất động sản (BĐS) có trụ sở ở quận 1, TP HCM kể năm 2018, ông đã bán 2 căn biệt thự tại khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) với giá 30 tỉ đồng/căn. Để rồi mới đây quay lại, ông vô cùng bất ngờ là 2 người chủ mua xong rồi... để đó.
Quá nhiều người mua xong để đó
Bất ngờ hơn, ông Nguyễn Phú còn chứng kiến cảnh một dãy biệt thự gần đó cỏ mọc um tùm, bên trong đầy rác. Quan sát cho thấy bên trong khu biệt thự chỉ có một vài bảo vệ ngồi. Đặc biệt, ở cánh cửa cổng số 2 của khu biệt thự thuộc khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi ổ khóa đã hoen gỉ, các căn trống hoác không có dấu hiệu người ra vào. Gần đó, khu dân cư Cát Lái có hàng chục dãy biệt thự mặt phố với số lượng hàng trăm căn. Mỗi căn đều có giá trên 10 tỉ đồng và hạ tầng xung quanh được hoàn thiện bài bản nhưng rất nhiều nhà vẫn chưa được tháo tem.
Hàng loạt biệt thự bỏ hoang nhiều năm ở Hà Nội Ảnh: MINH CHIẾN
Cũng từ chỉ dẫn của ông Nguyễn Phú, chúng tôi tìm đến dãy biệt thự ven sông nằm ở hẻm 215 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức. Đây là dãy biệt thự được xây dựng cách đây 14 năm nhưng nay xuống cấp chẳng khác gì khu bỏ hoang. Phía tầng mái bong tróc toàn bộ ngói để lộ ra sắt thép. Để tiết kiệm tiền thuê nhà, một số người dân lao động dùng bạt, tôn che cửa sổ, cửa ra vào làm nơi ở tạm. Ông Trọng (một người làm nghề mua bán ve chai) cho biết đã tạm cư tại đây 5 năm. "Ban đầu chỉ dám mua bạt che để ở cùng với mọi người nhưng dần không thấy chủ nhà ngó đến nên tôi bỏ thêm tiền mua tôn che chắn để ở" - ông Trọng nói.
Còn ở Hà Nội, khảo sát thực tế một số căn biệt thự bỏ hoang tại khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho thấy lác đác chỉ vài căn được chủ mua nhà tiến hành hoàn thiện; các căn còn lại mới được hoàn chỉnh phần thô, không ít trong số đó bị cây leo phủ kín cổng, cỏ dại mọc um tùm. Bên trong các căn biệt thự bỏ hoang chỉ có các cầu thang xây thô nhưng một số căn còn xuất hiện cả bơm kim tiêm, tiềm ẩn nguy cơ trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ở Đồng Nai, sau những cơn sốt đất lại càng nhiều những khu dân cư, khu đô thị cao cấp mọc lên rồi… bỏ không. Điển hình là cả một "thành phố" Nhơn Trạch với hàng chục dự án biệt thự được triển khai xây dựng từ đầu những năm 2000. Thế nhưng hiện tại, hầu như không có bóng người, chỉ có những căn biệt thự xây dang dở bỏ hoang. Một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết theo số liệu công bố gần đây, Đồng Nai hiện có khoảng 350 dự án khu dân cư, khu đô thị với những khu thiết kế nhà ở, biệt thự cao cấp. Tuy nhiên hiện trong đó có hơn 70% dự án khu dân cư, khu đô thị đã có chủ đầu tư 5-10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, nhiều căn biệt thự được xây dựng thô dở dang đã qua tay 4-5 chủ và chưa biết khi nào có người dùng để ở.
Cần đánh thuế ngay lập tức
Một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai (đề nghị không nêu tên) đã phải cảm thán rằng trái ngược với hàng ngàn biệt thự, nhà ở cao cấp đang bỏ hoang là hình ảnh hàng vạn lao động nghèo đang từng ngày ra vào những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp. "Cách không xa những căn biệt thự bỏ hoang ở Nhơn Trạch là không ít những xóm trọ thấp bé, tồi tàn. Nhìn là thấy lãng phí" - vị cán bộ nói. Ông cũng cho hay nhu cầu nhà ở tại Đồng Nai hiện nay là rất cao nhưng chưa được đáp ứng, vì giá BĐS quá cao so với túi tiền của người lao động. Vì vậy, việc đề xuất đánh thuế biệt thự bỏ hoang của Hà Nội mới đây là hợp lý và cần nhân rộng ra cả nước để làm ngay.
Nhiều căn biệt thự thuộc khu dân cư Cát Lái, TP Thủ Đức, TP HCM người mua không đến ở Ảnh: LÊ PHONG
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), nói ông hoàn toàn ủng hộ việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang, không sử dụng. Ông cho biết đề xuất của TP Hà Nội cũng từng được HoREA kiến nghị Chính phủ về việc "áp dụng thuế chống đầu cơ địa ốc". Cụ thể từ năm 2017, tần suất các đợt "sốt ảo" giá đất nền, đất nông nghiệp tại một số địa phương đã xảy ra thường xuyên hơn. Trong đó, có nguyên nhân trực tiếp từ giới "đầu nậu, cò đất" và sự lệch pha về nhu cầu, đó là nhiều sản phẩm cao cấp trong đó có biệt thự giá trị cao trong khi rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Vì vậy, HoREA đề xuất đánh thuế chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. Việc đánh thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở. Đối với trường hợp người dân mua nhiều đất mà không để ở, để kiểm soát việc này thì cũng chịu mức thuế suất lũy tiến. Điều này sẽ giúp thị trường trở về trạng thái cung tương ứng với cầu.
KTS Trần Vĩnh Nam cho biết giải pháp mà TP Hà Nội đề xuất giống như các nước phát triển đã áp dụng. "Đề xuất đánh thuế đối với biệt thự nói riêng và tài sản BĐS dư thừa nói chung là công cụ để chính quyền kiểm soát tình trạng thổi giá BĐS hiện nay một cách tốt nhất" - KTS Trần Vĩnh Nam nhấn mạnh.
Không ngăn chặn sẽ tiếp tục lãng phí
Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam - kết quả khảo sát mới nhất từ DKRA Vietnam cho thấy từ đầu năm đến nay, tại TP HCM có 5 dự án biệt thự mở bán, cung cấp ra thị trường 346 căn.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, bất chấp các căn biệt thự bỏ hoang không ai ở, hiện ở TP HCM có ít nhất 2 dự án biệt thự đang chào bán với giá hàng trăm tỉ đồng/căn. Cụ thể, một dự án khu dân cư tại Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức hiện chào bán căn biệt thự sân vườn với giá 150-200 tỉ đồng/căn; còn dự án tại phường 22, quận Bình Thạnh ra mắt các căn biệt thự từ 80-120 tỉ đồng/căn.
Trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp ồ ạt làm phân khúc biệt thự bất chấp nhiều người mua không ở, ông Nguyễn Hoàng cho biết khi đầu tư các dự án biệt thự lợi nhuận thu về cao hơn so với các phân khúc giá rẻ. "Cùng một diện tích đất nếu chia nhỏ ra xây dựng và bán vừa tốn vật liệu xây dựng vừa giảm giá trị bán. Trong khi đầu tư bài bản nâng cao giá trị sản phẩm lợi nhuận rất cao. Đó là nguyên nhân xu hướng ồ ạt làm nhà cao cấp, biệt thự" - ông Nguyễn Hoàng phân tích.
Xác minh chủ biệt thự bỏ hoang
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất của TP Hà Nội cũng gần với đề xuất đánh thuế biệt thự bỏ hoang được Bộ Tài chính đưa ra từ năm 2011. Hơn 10 năm nay, đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa thể triển khai trong thực tiễn bởi cơ quan quản lý đang vướng ở chỗ không tìm ra cách nào chứng minh biệt thự nào bỏ hoang, biệt thự nào có người ở. Nếu xác định bằng cảm tính hay quan sát chủ quan từ bên ngoài thì chắc chắn chủ sở hữu sẽ phản đối.
Vì vậy, theo GS Đặng Hùng Võ, quan trọng nhất hiện nay là phải cải cách toàn bộ chính sách thuế đối với đất phi nông nghiệp theo hướng cơ quan thuế và cơ quan quản lý hộ khẩu, địa chính phải có mối liên thông, dùng chung cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, bên cạnh quản lý dân cư theo đăng ký hộ khẩu thì phải yêu cầu đăng ký cư trú và mỗi người chỉ được đăng ký cư trú duy nhất ở một nơi. Ngoài ra, với dự án chuẩn bị đưa vào xây dựng, kể cả tư nhân hoặc người dân tự xây dựng, cần quy định cụ thể về việc đăng ký giá trị bất động sản để làm cơ sở tính thuế.
Bình luận (0)