Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, dân số 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là hơn 5,5 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,8%. Ðến năm học 2015-2016, toàn vùng có 3.237 trường từ mầm non đến các cấp phổ thông, trong đó có 57 trường phổ thông dân tộc nội trú. Chất lượng dạy và học có nâng lên nhưng vẫn chậm và không đều. Đặc biệt, tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, mù chữ của vùng thuộc loại cao trong cả nước. Cụ thể, tổng số người mù chữ trong độ tuổi 15-60 ở các tỉnh Tây Nguyên là hơn 535.000, chiếm 18,5% cả nước.
Cần đào tạo nhân lực tại chỗ cho Tây Nguyên. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên Trường CĐ nghề Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định Tây Nguyên tồn tại nhiều yếu kém, như quy mô giáo dục phát triển nhanh nhưng mạng lưới cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng kịp, dẫn đến kết quả giáo dục chưa thật sự bền vững. Tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số còn thấp; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; cơ sở vật chất các trường còn nhiều khó khăn…
Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP HCM, nhân lực được đào tạo trên địa bàn Tây Nguyên còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Đây là vùng có số trường ĐH, CĐ thấp nhất nước, đặc biệt tỉnh Đắk Nông không có trường nào.
Vì thế, ông Đạt cho rằng cần mở rộng đối tượng cử tuyển và có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, như đào tạo lao động tại chỗ, hướng nghiệp, dạy nghề. Đặc biệt, sớm quy hoạch lại mạng lưới trường ĐH, CĐ cho khu vực Tây Nguyên phù hợp với tính đặc thù kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng.
Để Tây Nguyên có được nguồn nhân lực tại chỗ thì phải coi phát triển GD-ĐT không chỉ của vùng mà của chung cả nước".
Thượng tướng Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Bình luận (0)