Sự bất thường của cuộc kiểm tra được thấy ngay trong thông báo của Bộ Công Thương về kết quả rà soát, kiểm tra về quy trình cũng như hoạt động của đoàn Cục QLTT trong vụ Con Cưng. Sự không bình thường này, theo Bộ Công Thương, nghiêm trọng tới mức "có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương về phát ngôn". Điều này gây ra hậu quả khiến hiểu sai, hiểu không đúng bản chất của sự việc và nhất là ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hơn 2 tháng trước, dư luận xôn xao bởi vụ cơ quan QLTT kiểm tra hàng loạt điểm bán hàng của Con Cưng. Vụ kiểm tra "ồn ào" tới mức có tới gần 90 điểm bán hàng của Con Cưng bị "thăm hỏi" và bị tạm giữ hàng ngàn sản phẩm "có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ". Ồn ào nhất là phát ngôn của các quan chức lãnh đạo Cục QLTT, cho rằng Con Cưng "bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ", tức nhập lậu.
Trong "dư chấn" của vụ Khải Silk, phát ngôn của các quan chức có thẩm quyền như Cục QLTT đã gây hiệu ứng mạnh. Hậu quả là hoạt động kinh doanh của Con Cưng lập tức lao đao.
Thế nhưng, hoàn toàn khác với "đầu voi" như phát ngôn ban đầu của một số lãnh đạo Cục QLTT, kết luận cuối cùng của Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra lại chẳng khác nào... cái "‘đuôi chuột". Nhưng chờ được "vạ" - kết luận Con Cưng không bán hàng giả - thì "má" của doanh nghiệp này đã sưng vù.
Cùng thời gian vụ Con Cưng, chuỗi cửa hàng cơm tấm Kiều Giang cũng điêu đứng bởi cuộc kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM. Trước đó, vụ nước mắm nhiễm asen cũng làm các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống lao đao bởi những cáo buộc không đúng của giới chức liên quan.
Vụ nước mắm truyền thống đã để lại bài học đắt giá và đau xót cho việc các doanh nghiệp, thậm chí cả một ngành hàng sản xuất, có thể bị phá sản bởi những toan tính, ý đồ xấu. Những cơ quan báo chí do sai sót về tác nghiệp (tuyệt đại đa số không có động cơ nào khác) đã phải chịu những hình thức xử lý tương xứng theo quy định. Tuy nhiên, giới chức thẩm quyền cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí, đặc biệt là nguồn gốc của những thông tin này, lại không hề bị xử lý thích đáng.
Bộ Công Thương đã chỉ rõ "địa chỉ trách nhiệm" trong vụ Con Cưng. Những cá nhân và đơn vị đã bị nêu đích danh chắc chắn rồi đây sẽ bị xử lý. Song điều quan trọng là có làm rõ được động cơ, mục đích của những điều bất thường hay không. Đó mới là điều cốt lõi.
Không truy, làm rõ tới tận gốc rễ thì sau nước mắm truyền thống, Con Cưng hay cơm tấm Kiều Giang có thể còn tái diễn những vụ đắt giá tương tự.
Bình luận (0)