Phóng viên: Kết quả khảo sát 20.000 người từ nhiều quốc gia, châu lục do InterNations thực hiện và công bố đã xếp TP HCM đứng thứ 3 trong 82 đô thị đáng sống nhất thế giới (vượt qua Singapore, sau Đài Bắc và Kuala Lumpur). Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đánh giá thế nào về kết quả này, thưa ông?
- PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Sự phát triển của TP HCM trong những năm qua cho thấy đây là một TP năng động. Ngoài ra, TP cũng đổi mới sáng tạo, giàu sức trẻ và có tương lai tươi sáng. Nhưng điều quan trọng hơn, như InterNations nhìn nhận, là sự ổn định về an ninh trật tự, kinh tế - tiền tệ, hệ thống bệnh viện, trường học… ở TP bảo đảm chất lượng. Đây là những yếu tố quan trọng để TP phát triển.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM
TP HCM có số doanh nghiệp chiếm 1/3 lượng doanh nghiệp cả nước, dân số chiếm 1/10 cả nước; ngoài ra TP còn nằm trong trục có thể kết nối với các tỉnh, thành, vùng trọng điểm như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Tây Ninh… nên đã tạo ra cơ hội việc làm, mưu sinh, tiến thân rất lớn.
Bên cạnh đó, đối với người nước ngoài, TP là nơi quy tụ nhiều món ăn ngon và là địa phương có nền văn hóa rất đa dạng nên từ bất cứ nơi đâu trên khắp thế giới khi đến TP này đều sống được. Đặc biệt, từ những yếu tố như GDP, đóng góp ngân sách, năng suất lao động, số lượng doanh nghiệp, hệ thống y tế và giáo dục…, trong tương lai người nước ngoài còn nhìn thấy TP HCM có nhiều triển vọng phát triển hơn nữa. TP còn nhiều "dư địa" chưa khai thác, TP còn là nơi tiếp giáp biển…
Hiện TP HCM đang tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng. TP cần được đầu tư thêm để kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Và khi giải quyết được điểm vàng, điểm nghẽn này thì TP sẽ còn bứt phá xa hơn nữa. Ví dụ, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đã đón 8-9 triệu lượt khách quốc tế và hiện đã sử dụng hết công suất, cho nên trong khi chờ sân bay Long Thành hoàn thành trong 5 năm nữa, TP cần nhanh chóng đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó là tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên sẽ hình thành, cùng với đó là trung tâm thương mại dưới lòng đất sẽ trở thành địa điểm rất hấp dẫn đối với du khách...
Những yếu tố khiến TP HCM được đánh giá cao là thân thiện, nhiều cơ hội phát triển, mức sống dễ chịu..., ông có đồng tình với nhận xét của InterNations? Vì sao?
- Tôi rất đồng tình với nhận xét của InterNations vì TP HCM là TP năng động, có nhiều doanh nghiệp nên có rất nhiều cơ hội phát triển. Người dân TP chan hòa, thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn. Ở TP ta có rất nhiều tiệm bánh mì 0 đồng, những bình trà đá miễn phí ven đường…, đó là hình ảnh của sự tương ái tương thân.
TP HCM luôn là TP nghĩa tình. TP thường xuyên chăm lo cho người dân khó khăn, đồng thời còn hỗ trợ các tỉnh bạn. Đây cũng là sự hào sảng của TP.
Mức sống dễ chịu thì rõ rồi. Có nhiều mức giá, cao có, thấp có tùy theo thu nhập của từng người, có nhiều nhà hàng với chất lượng 5 sao nhưng cũng có vô số quán cơm, cà phê vỉa hè bình dân, phù hợp với thu nhập của từng người.
Sự phát triển của TP HCM trong những năm qua cho thấy đây là một TP năng động, sáng tạo, giàu sức trẻ và có tương lai tươi sáng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Viện Nghiên cứu Phát triển TP đã hoàn tất bộ tiêu chí Xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình hay chưa? Chúng ta kỳ vọng gì ở bộ tiêu chí này?
- Chúng tôi đã làm, hiện đang thu thập ý kiến. Viện rất kỳ vọng vào bộ tiêu chí này, đây là cơ sở để đo lường được chất lượng sống của TP HCM. Điều quan trọng hơn hết làm sao giảm ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí. TP phải quyết liệt đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết điểm nghẽn giao thông, giải quyết xe quá tải hết thời hạn sử dụng, thải khí độc ra môi trường.
TP HCM còn phải giải quyết nhiều vấn đề hóc búa khác như ngập nước, kẹt xe, quá tải dân số, an ninh trật tự xã hội, ô nhiễm... Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP, có thể làm được không và đâu là những giải pháp?
- TP HCM làm được và để giải quyết bài toán này thì đòi hỏi phải có nguồn lực và một trong những nguồn lực quan trọng đó là tài chính. Tỉ lệ điều tiết của ngân sách trung ương trong thời gian vừa qua đối với TP quá nặng, để lại chỉ có 18%, quá thấp so với các TP có dân số 10 triệu người trên thế giới như TP HCM, trong khi mức thấp trên thế giới là 33,5%. Thiếu nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng, cho giao thông, cho bệnh viện và trường học dẫn đến sự quá tải, bất cập về nhiều mặt.
Bên cạnh đó, cần giải quyết nguồn lực về đất đai. TP còn nhiều khu vực để trống đất nông nghiệp, không sử dụng dẫn đến việc không quản lý được, người dân xây dựng trái phép. Vì vậy, nên tận dụng hiệu quả nguồn lực đất đai của TP, xóa các quy hoạch treo... Ngoài ra, phải cho TP thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Hiến pháp. Quản lý nhà nước phải thích hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng, đô thị khác, nông thôn khác và đô thị đặc biệt khác. Nói chung là mô hình quản lý phải khác. Ngoài ra, vấn đề về phân cấp, bồi thường thu hồi đất… cần có cơ chế đặc thù cho địa phương đông dân như TP HCM. TP đang triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, trong đó có nội dung vừa tăng thu nhập cho CB-CNVC vừa đo lường trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và có sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội… Đây là động lực để cán bộ, công chức hoạt động hiệu quả hơn.
Bình luận (0)