"Tôi mang ơn TP HCM đến suốt đời. Tôi chưa từng nghĩ nếu ngày trước không chọn TP này là điểm đến thì đời mình bây giờ ra sao!" - anh Lê Văn Hùng, phụ trách một kênh truyền thông tại TP HCM, nói như vậy khi nhắc đến "quê hương thứ hai" của mình.
Anh Lê Văn Hùng (thứ ba từ trái qua) đang sinh hoạt tại Hội Doanh nhân Quảng Nam (QNB) ở TP HCM. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dung nạp và nuôi lớn
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có tiếng ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, vừa tốt nghiệp THPT, Lê Văn Hùng khăn gói theo xe vào TP HCM. Hành trang khi ấy là vài bộ đồ, 1 chiếc xe đạp và nửa chỉ vàng. "Lúc đó, đứng trước 3 lựa chọn để thi ĐH: Đà Nẵng, Huế và TP HCM, tôi đã chọn TP HCM vì biết TP có nhiều cơ hội vừa học vừa làm, tự lo được cho bản thân hơn so với 2 nơi kia. Vậy là đi! Vào đến Bến xe Miền Đông mới suy nghĩ hướng đi, nghe loáng thoáng dân miền Trung tập trung nhiều ở khu Bảy Hiền (quận Tân Bình) và quận Gò Vấp, tôi hỏi đường về khu Tân Bình" - anh Hùng nhớ lại.
Từ những ngày đầu lang thang trong "khu miền Trung", không quen biết ai, phải ngủ trên sạp chợ Bà Hoa (phường 11), may sao được người quen dắt về cho ở cùng, xin cho đi phụ hồ rồi đi dạy kèm, anh Hùng làm quen dần với con người, nhịp sống TP HCM, bắt đầu làm đủ nghề để nuôi sống bản thân và trang trải học phí tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Anh hồi tưởng: "Tháng đầu tiên nhận lương dạy kèm, tôi vừa vui vừa buồn vì lời nhận xét của phụ huynh "em dạy rất nhiệt tình nhưng nói tiếng miền Trung nặng quá, con chị nghe lúc hiểu lúc không". Tối đó về, tôi quyết tâm phải làm sao nói cho người ta nghe và hiểu nên tìm cơ hội đi làm MC, về sau không chỉ làm MC cho tiệc cưới ở Tân Bình mà còn "đánh thuê" cho một số nhà hàng ở trung tâm".
Năm 1998, ra trường, xin vào làm nhân viên kinh doanh rồi quản lý tại Công ty Dệt Thành Công; ít năm sau, đầu quân cho Acecook Việt Nam và gắn bó với doanh nghiệp (DN) này hơn 10 năm trước khi rẽ sang một hướng hoàn toàn mới như bây giờ. "26 năm qua, TP HCM đã nâng đỡ, trao cho tôi nhiều cơ hội phấn đấu, lập thân. Tôi cưới vợ, sinh con cũng tại TP HCM. Tôi biết ơn TP này vì đã cho tôi rất nhiều thứ" - anh Hùng thổ lộ.
Nhận rõ tiềm năng phát triển tại "vùng đất mới" này, chỉ một thời gian sau khi ổn định ở TP HCM, anh Lê Văn Hùng đã động viên người thân, bạn bè vào đây sinh sống. Hai người anh em ruột của anh cũng vậy, đã ổn định cuộc sống, trở thành công dân TP. Bạn bè cùng lứa hồi ở quê thì đến 50% hiện đang sinh sống, thành đạt tại đây. "Sau này, khi kinh tế ổn định, chúng tôi thường chia sẻ với sinh viên, học sinh ngoài quê vào TP HCM ăn học. Các hội đồng hương, hội doanh nhân tỉnh Quảng Nam phía Nam mà tôi là hội viên, tham gia trong vai trò phó chủ tịch thường trực đang rất tích cực trong việc đóng góp cho kinh tế TP HCM lẫn kết nối những người con xứ Quảng, tương trợ trong công việc, động viên nhau trong đời sống tinh thần, đồng thời quay về đóng góp cho quê nhà" - anh Hùng tâm sự.
Trở thành "người miền Nam"...
Cũng chọn mảnh đất trung tâm của phương Nam làm nhà, chị Nguyễn Thị Lan Anh (ngụ quận Bình Thạnh) vui vẻ cho biết vào Nam là quyết định sáng suốt nhất của mình thời trẻ. Quê gốc Nam Định, có việc làm ổn định tại Hà Nội nhưng sau 3 tháng công tác tại TP HCM, chị đã bàn với chồng kế hoạch Nam tiến. "Hồi ấy, con trai đầu của tôi mới 3 tuổi, vợ chồng tôi gửi cháu cho ông bà rồi dắt nhau vào TP HCM. Thời gian đầu còn khó khăn, phải vay mượn bạn bè mỗi người một ít, được bạn cho mua nhà trả góp" - chị Lan Anh kể.
Với Lan Anh, TP HCM thời điểm năm 2006, nếu ở lại Hà Nội thì người ngoại tỉnh như vợ chồng chị dù có công việc tốt, thu nhập ổn định nhưng khó có cơ hội mua nhà, phát triển kinh tế. "Tôi thích môi trường sống tại TP HCM vì con người hào sảng, không xét nét để ý nên ở đây tôi được là chính mình mà không sợ ai khen chê dòm ngó. Quan trọng hơn, môi trường kinh tế mở cho cư dân nhiều cơ hội kiếm tiền lẫn điều kiện tiêu tiền. Thêm nữa, khí hậu thuận lợi, ăn mặc, đi lại dễ dàng. Sống ở đây nhiều năm, tôi đã thành người miền Nam mất rồi!" - chị Lan Anh nói vui.
Cũng vì yêu cái chất miền Nam, cái khí hậu ôn hòa đầy nắng ấm và không gian tự do nơi này mà chị Lan Anh đã đón ba mẹ từ quê vào TP HCM ở hẳn từ năm 2011 đến nay. Hai cô em cũng lần lượt vào "đoàn tụ gia đình", một làm trưởng phòng nhân sự công ty chuyên về thiết bị nhà bếp, một làm cán bộ tại một sở của TP.
Anh Lư Nguyễn Xuân Vũ (thứ 2 từ trái qua) tại một sự kiện của Hội Doanh nhân huyện Bình Chánh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thành phố khởi nghiệp
Không phải ngẫu nhiên mà 2-3 năm trở lại đây, khi Chính phủ khuyến khích phong trào khởi nghiệp, TP HCM là địa phương dẫn đầu về số lượng start-up lẫn các trung tâm, tổ chức hỗ trợ start-up, các vườn ươm. Câu trả lời rất đơn giản nhưng cũng rất rõ ràng: Khởi nghiệp thành công tại TP HCM sẽ là nền tảng để tiến xa hơn.
TS Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT Xuân Nguyên Group (đang sở hữu một số công ty con lĩnh vực dược, nông sản, bánh kẹo, mỹ phẩm; đồng thời là chủ tịch HĐQT một số công ty chuyên về mặt hàng mật ong), liệt kê hàng loạt điểm cộng của TP HCM: Công ty nào muốn phát triển đều chọn thị trường TP HCM vì độ lan tỏa nhanh hơn so với các tỉnh; TP là thị trường lớn, đáp ứng doanh số bán hàng cho DN; với thành phần cư dân đa dạng nên nhu cầu sử dụng cao hơn; những sản phẩm thuần nông nghiệp thì ở TP đa phần người dân không làm ra được nên có nhu cầu tiêu dùng cao hơn so với khu vực nông thôn; TP là trung tâm phân phối hàng cho khu vực và cả nước. "Bản thân tôi có vài công ty ở tỉnh nhưng đều phải đẩy mạnh tại thị trường TP HCM rồi mới quay về tỉnh. Hay như sản phẩm mật ong của công ty đưa về miền Tây lẫn các tỉnh khác phân phối, khách hàng đều hỏi "bán ở đâu tại TP HCM?". Từ năm 2009, mật ong Xuân Nguyên đã phủ 63 tỉnh - thành nhưng TP HCM vẫn là thị trường chính, chiếm đến 40% doanh số" - anh Xuân Vũ cho biết.
Với anh Lư Nguyễn Xuân Vũ, TP HCM là nơi sống tốt nhất, vì nhiều lý do. Kinh tế TP phát triển nhất so với cả nước, môi trường làm ăn thoải mái; TP có số đông dân nhập cư, khao khát vươn lên nên rất cần cù, chăm chỉ lại nghĩa tình, sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, cùng có ý thức xây dựng TP văn minh, giàu đẹp. "Tôi vừa đi dạy vừa điều hành DN, trong vai trò nào cũng tự nhắc mình phải giữ gìn, xây dựng hình ảnh con người TP HCM văn minh, nghĩa tình và sống xứng đáng. Tôi tự hào vì mình là cư dân của TP, dù mới chính thức nhập hộ khẩu từ năm 2008!" - anh Vũ trải lòng.
Để được như hôm nay, Lư Nguyễn Xuân Vũ đã trải qua 18 năm gầy dựng. Từ thời sinh viên, năm 2002, khi còn ngồi trong giảng đường Trường ĐH KHXH&NV TP, Xuân Vũ đã mở công ty đầu tiên. "Giai đoạn 2002-2009 đâu dám phát triển gì, chủ yếu tạo nền tảng. Công ty mới, vốn ít, mọi thứ đều phải gầy dựng từ con số 0 nhưng nhờ kiên trì phát triển thị trường, xây dựng mạng lưới bán hàng, tập trung đẩy mạnh xây dựng hình ảnh sản phẩm, hình ảnh thương hiệu công ty… mà dần dần cái tên mật ong Xuân Nguyên được người tiêu dùng biết đến" - Vũ nhớ lại. Lúc đầu, không có tiền "chạy" quảng cáo, công ty chọn giải pháp tham gia bán hàng tại các hội chợ, tổ chức nhân viên đi quảng cáo, cho dùng thử sản phẩm tại các khu công nghiệp, khu dân cư, chợ, kể cả trường ĐH. "Khó khăn lắm. Nhưng như tôi đã nói, TP HCM đủ rộng lớn và độ lượng cho những ai chịu khó mưu sinh, miễn là chịu khó và tìm đúng phân khúc, đúng đối tượng khách hàng. Những bà nội trợ, những anh chị em công nhân, sinh viên ĐH… thời gian đầu đã nuôi nấng và tiếp sức cho Xuân Nguyên lớn mạnh dần" - anh cảm kích.
Cần chính sách công bằng thúc đẩy khởi nghiệp
Bà Nguyễn Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty TNHH DV-TM-SX Trí Đức (nhãn hiệu mứt Lạc Xuân), bày tỏ mong muốn chính quyền TP HCM tạo sân chơi bình đẳng, công bằng hơn cho mọi DN hoạt động, cạnh tranh.
Vốn là giáo viên dạy văn rẽ sang lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, từ khi còn là cơ sở sản xuất đến khi lập công ty, sở hữu khu nhà xưởng khá rộng ở Củ Chi chuyên gia công các loại mứt, nguyên liệu cho những DN thực phẩm lớn, bà Tâm Ái luôn đặc biệt quan tâm chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. "Chúng tôi chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường và đầu tư lớn cho hệ thống xử lý chất thải. Thế nhưng, những DN khác cùng lĩnh vực không đầu tư nhiều như vậy. Kết quả là cùng một sản phẩm nhưng giá thành của họ thấp hơn chúng tôi, lợi nhuận của họ nhiều hơn và giá bán của họ cạnh tranh hơn. Như thế là không sòng phẳng. Vì vậy, rất mong chính quyền TP có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để thúc đẩy khởi nghiệp, kinh doanh lành mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế TP" - bà Tâm Ái đề nghị.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-12-2019
Kỳ tới: Thân thiện và tử tế
Bình luận (0)