Ngày 20-10, Quốc hội (QH) khai mạc kỳ họp thứ 10 với hình thức họp trực tuyến. QH đã có phút mặc niệm cố Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu QH đoàn Quảng Bình và các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi cứu nạn và đồng bào tử nạn do lũ lụt gây ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10 Ảnh: Minh Phong
Sớm khắc phục hậu quả mưa lũ
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung oằn mình gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, trong đó có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
QH chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và gửi lời thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân tử nạn.
Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, QH yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục cảnh giác với những diễn biến cực đoan của thời tiết, có giải pháp tích cực, hiệu quả để sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái, cùng những khó khăn do thiên tai đã tác động bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Do vậy, tại kỳ họp này, Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu QH đánh giá khách quan, toàn diện năm 2020 và cả nhiệm kỳ; xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn, nâng cao đời sống người dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Tăng trưởng cao
Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025. Dù nhìn nhận tình hình trong nước còn đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, thiên tai nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2%-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực. "Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so năm 2015. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD" - Thủ tướng cho hay.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng khi năm 2020 dự kiến đạt khoảng 535 tỉ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh là động lực quan trọng. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016-2019. Đặc biệt, năm 2020 đã khởi công 6/11 đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu 5 năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết đồng tình với những đánh giá của Chính phủ. Theo ông Thanh, sản xuất công nghiệp đạt kết quả cao; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò động lực, song còn thiếu sản phẩm công nghiệp có thương hiệu, sức cạnh tranh sản phẩm và bảo vệ thương hiệu trong nước chưa phát huy hiệu quả. Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về công tác xây dựng quy hoạch và phương án bảo đảm an ninh năng lượng.
Về hoạt động thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ dù đã cải thiện nhưng cơ cấu sở hữu trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Vẫn còn tình trạng giao vốn và giải ngân chậm; một số công trình, dự án trọng điểm triển khai chậm. Đặc biệt, năm 2020, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng có phần chững lại, chưa hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường bộ cao tốc, hạ tầng ở một số vùng chưa được quan tâm đúng mức.
Phát triển mạnh kinh tế tư nhân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025 tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu "kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Chính phủ trình QH 12 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong đó, GDP tăng khoảng 6%. Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5%-7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD.
Nói về giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện các chỉ tiêu, Thủ tướng khẳng định sẽ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Theo đó, chú trọng phát huy nội lực, thu hút có chọn lọc các nguồn lực từ bên ngoài, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân. Các công trình giao thông quan trọng sẽ được tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ; đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện, lưới điện truyền tải, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ. Chính phủ sẽ đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao trong nước; thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi ở nước ngoài. Đồng thời liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, kết nối nhân tài người Việt trong và ngoài nước.
Kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn tới. Ưu tiên cải cách thủ tục hành chính thực chất hơn, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Cùng với đó sẽ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án phát triển nguồn và lưới điện, không để thiếu điện; sửa chữa, bảo dưỡng các hồ, đập mất an toàn; bố trí nguồn lực và thực hiện giải pháp phù hợp về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ... để tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; tăng cường các chính sách, giải pháp để tạo việc làm mới hậu Covid-19.
Ngày 21-10, QH tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi); dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Cử tri bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao
Trước QH, Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp, do đó đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay. Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri và nhân dân bức xúc vì giá SGK tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu "lợi ích nhóm", thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng SGK trong nhà trường. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh Diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân.
Đề nghị chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021
Cùng ngày, trình bày báo cáo thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng. Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH - ông Nguyễn Đức Hải - cho hay đa số thành viên ủy ban cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi cao, đời sống khó khăn.
Bình luận (0)