Về xã Nam Hồng hôm nay, hỏi khu địa đạo của 70 năm trước thì chẳng còn mấy ai biết. May mắn, chúng tôi gặp được bà Phạm Thị Lai - một nhân chứng sống. Tuy đã 89 tuổi nhưng bà vẫn còn nhớ nhiều câu chuyện lịch sử của làng mình từ thời kháng Pháp.
Một địa chỉ anh hùng
Bà Lai hồi tưởng lại không khí sục sôi ngày ấy: "Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, vào thắng lợi cuối cùng nên nhân dân xã Nam Hồng đã chủ động biến làng mình thành lũy hào, chiến hào kháng chiến".
Từ đầu năm 1947, nhân dân xã Nam Hồng đã chặt phá hàng ngàn cây gỗ và tre già đem rào quanh để bảo vệ làng. Dân quân đào giao thông hào sát lũy tre với chiều sâu từ 1-1,2 m; rộng từ 1,2-1,4 m; đào đến đâu thì lấy đất đắp vào chân lũy tre đến đấy. Thành lũy kiên cố được tạo thành, vừa nuôi dưỡng tre phát triển tốt vừa ngăn chặn xe tăng, đại bác và bộ binh của địch.
Đội du kích xã Nam Hồng được thành lập ngay trong năm 1947 với quân số hơn 100 người. Du kích Nam Hồng xây dựng các trận địa cạm bẫy dày đặc: hố chông, bãi mìn… ngăn chặn địch đánh phá làng kháng chiến, ngăn chặn địch xâm nhập. Các bẫy chông của du kích Nam Hồng thiết lập đều rất đáng sợ. Hàng trăm hố chông, mỗi hố dài khoảng 0,7 m - 0,9 m, rộng khoảng 0,6 m - 0,7 m, sâu khoảng 1 m - 1,2 m, cắm từ 3-6 đến hàng chục mũi chông tre, mũi chông sắt. Địch khiếp sợ nhất các bàn chông sắt rèn ngạnh. Hễ sa chân xuống bàn chông sắt rèn ngạnh là tàn phế vĩnh viễn.
Một đoạn địa đạo hiện còn giữ được nguyên trạng hình mái vòm
Người dân đã kéo dài đường đi của hầm bí mật rồi nối thông hầm với nhau thành một hệ thống giao thông bí mật, liên hoàn trong lòng đất. Chính từ đó, địa đạo Nam Hồng chính thức ra đời, nối thông qua các ngôi nhà trong xã. Theo bà Phạm Thị Lai, đoạn địa đạo Nam Hồng đầu tiên hình thành ở xóm Phó, thôn Đoài dài hơn 200 m. Chỉ sau khoảng 1 năm, đến đầu năm 1948, địa đạo Nam Hồng đã dài tới gần 11.000 m. Các tuyến địa đạo nối liền nhà này với nhà kia, có trục chính và hàng chục nhánh nhỏ, thành hình xương cá.
Lòng địa đạo hình vừa đủ cơ động tác chiến vừa tiết kiệm thời gian, công sức đào địa đạo. Du kích Nam Hồng đồng thời xây dựng những hố rất lớn bẫy xe quân sự địch đi vào.
Đang bị xuống cấp, lãng quên
Nhiều đoàn đại biểu quốc gia như Lào, Triều Tiên, Pháp, Angola, Cuba, Nicaragoa, El Salvador… đã đến thăm khu di tích địa đạo Nam Hồng để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm chiến đấu. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản El Salvador viết trong cuốn sổ vàng truyền thống của xã: "Cảm ơn nhân dân xã Nam Hồng đã cho chúng tôi những bài học vô cùng quý báu, chúng tôi sẽ vận dụng vào cuộc đấu tranh giải phóng quê nhà".
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm xã Nam Hồng cũng đã xúc động viết trong cuốn sổ vàng truyền thống: "Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi thấy đây là di tích lịch sử rất quý giá, cần được bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ".
Ngày 29-1-1996, xã Nam Hồng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đến ngày 13-2-1996, Khu Di tích lịch sử - văn hóa địa đạo Nam Hồng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia.
Đến nay, di tích lịch sử, hiện vật ở xã Nam Hồng đang xuống cấp nghiêm trọng hoặc nhiều hạng mục bị chìm vào quên lãng, chỉ còn giữ lại được vỏn vẹn khoảng 200 m trên gần 11.000 m địa đạo năm xưa. Trước đây, hàng chục lối lên, xuống địa đạo. Ngày nay, chỉ còn 2 lối: 1 lối bên trong góc buồng nhà ông Phạm Văn Dộc, 1 lối dưới gầm giường nhà bà Phạm Thị Lai. Mỗi lối được xây dựng mới 1 cửa sắt, 1 thang sắt. Cửa đã lâu không được mở nên hầu hết đã gỉ sét, khép rất chặt, mở rất khó nhưng chủ nhà lại không được tự ý mở. Cá nhân, tổ chức muốn tham quan địa đạo Nam Hồng, phải tới UBND xã Nam Hồng báo trước để xã thông báo với chủ nhà nhằm dọn dẹp, mở cửa...
Hệ thống chiếu sáng ở trong lòng địa đạo tạm bợ, hệ thống thông gió hạn chế, hệ thống thoát nước không đồng bộ dẫn đến địa đạo ẩm thấp, đọng nước lúc mưa to; lại nhiều muỗi, gián khiến việc đi trong lòng địa đạo hết sức khó khăn, vất vả. Ngoài ra, những điểm di tích lịch sử ở Nam Hồng vẫn chưa được cắm tấm biển giới thiệu tên, giá trị lịch sử.
Ông Phạm Văn Dộc tâm sự: "Hiện nay, gia đình tôi vẫn bảo vệ nguyên trạng đường xuống địa đạo ở trong nhà mình và cũng rất mong cơ quan chức năng sẽ trùng tu phục hồi để mọi người có thể đến tham quan…".
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nơi được coi là một đầu của địa đạo và đang dựng nhà bia ghi công lao của quân dân xã Nam Hồng. Nhưng thật buồn là khu vực này đã bị biến thành một cái chợ cóc. Một số người dân thiếu ý thức đã quăng cả rác thải, lốp xe đạp lên mái nhà bia. Hình ảnh chẳng còn đâu sự tôn nghiêm của một di tích cấp quốc gia đã được nhà nước công nhận.
Những kỷ vật của một thời
Ở nhà trưng bày hiện vật lịch sử xã Nam Hồng ngày nay vẫn còn một số dụng cụ thô sơ mà quân và dân nơi đây đã dùng để đào gần 11.000 m địa đạo chỉ trong vòng 1 năm. Người dân và du kích đã sử dụng thuổng, cuốc, xẻng - loại cán ngắn - để "thi công" địa đạo. Người bên dưới đào đất, xúc đất vào trong thúng, rổ, xô, thùng… (buộc dây thừng hay không buộc dây thừng); người bên trên kéo đất lên, đổ đất xuống lũy tre, thành lũy, ruộng, vườn, ao, sông Thiếp… để phi tang.
Các dụng cụ mà quân, dân Nam Hồng dùng để đào hầm bí mật. (Ảnh tư liệu)
Bình luận (0)