Thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng được tăng cường. Thành tựu đó rất to lớn và đáng tự hào. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém".
Đây là một đoạn rất quan trọng, trích trong Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2-2-1999, của Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Đoạn trích này cho thấy, từ hơn 20 năm trước, Trung ương Đảng, mà người "cầm lái" lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đã nhìn ra một trong những vấn đề sống còn của công tác xây dựng Đảng trong thời bình. Vấn đề sống còn ấy được chính Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (ban hành sau đó) nêu rõ, chính là "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và nhà nước chậm được củng cố và đổi mới".
Và như thực tiễn chúng ta đã thấy, không chỉ ngay thời điểm đó mà cả từ đó đến nay, trải qua các nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng ta luôn từng bước tập trung quyết liệt hơn nữa vào công tác xây dựng Đảng. Trong đó, công cuộc chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng hiện đang được Trung ương Đảng, với sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quyết liệt thực hiện, đã và đang minh chứng rất rõ điều đó.
Những ngày qua, khi được tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, rất nhiều bài viết của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước... được báo chí đăng tải, đều cho thấy nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã để lại dấu ấn cá nhân rất sâu đậm về sự năng động, táo bạo, quyết liệt, dứt khoát trong tư duy và hành động, "nói đi đôi với làm", không khoan nhượng với sự tha hóa; khi là "Thủ trưởng Năm Phiêu" giữa trận mạc, khi là một vị Tổng Bí thư hay khi đã rời chính trường, ông đều thể hiện bản chất của một người cộng sản trong sáng, thân thiện, gần gũi...
Và không chỉ người dân ở làng Thạch Khê Thượng (xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nơi đã sinh ra nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mà người dân từ nhiều địa phương khác trong cả nước, như xóm Mù U - "làng đỏ" trong kháng chiến chống Mỹ (nay thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) hay làng Rồng (nơi bị thiệt hại nặng nề do trận lũ lớn vào năm 1999, nay là thôn An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có những cách bày tỏ rất xúc động trước tin ông qua đời.
Những tình cảm như vậy cho thấy nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không chỉ là một thuyền trưởng của Đảng đã "vững tay chèo" trong sóng gió cách mạng, mà còn là người từng có những chủ trương và hành động cụ thể, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận người dân. Đấy là những phẩm chất cần có ở một vị lãnh đạo Đảng - Đảng của dân, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Một nén tâm nhang vĩnh biệt ông - một người con ưu tú của Đảng!
Bình luận (0)