VSIP I - Bình Dương được xây dựng từ năm 1996 và hoàn thiện vào năm 1997 với quy mô 500 ha cùng hệ thống quản lý, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là cái nôi hình thành và phát triển của VSIP Group, để từ đó nhân rộng mô hình khu công nghiệp (KCN) hiệu quả này ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước suốt 27 năm qua.
Mô hình kiểu mẫu
VSIP Group là liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC của phía Việt Nam với liên minh các nhà đầu tư Singapore do Công ty Sembcorp Development Ltd dẫn đầu.
Đến nay, VSIP Group đã phát triển chuỗi 13 KCN, đô thị và dịch vụ với quy mô trên 10.362 ha tại 9 tỉnh, thành phố trải dài khắp cả nước, gồm: Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định và Cần Thơ.
Ông Nguyễn Phú Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP, cho biết VSIP Group đã và đang hướng tới các tiêu chuẩn bền vững. VSIP Group chú trọng nâng tầm phát triển KCN đơn thuần sang mô hình KCN xanh, thông minh và bền vững.
Mới đây, vào tháng 9-2023, KCN VSIP Cần Thơ được khởi công xây dựng trên tổng diện tích 900 ha, trong đó giai đoạn 1 có diện tích hơn 293 ha; tổng vốn đầu tư hơn 3.717 tỉ đồng. Khi đi vào hoạt động, KCN này sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 - 30.000 lao động.
VSIP Cần Thơ được định hướng xây dựng theo mô hình KCN thông minh và bền vững với mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, thiết lập mạng lưới logistics "từ trung tâm đến cảng" và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.
Trước đó, vào đầu năm 2022, KCN VSIP III - Bình Dương cũng đã được khởi công xây dựng. Chủ đầu tư cam kết sẽ thực hiện trang trại năng lượng mặt trời với diện tích 50 ha để cung cấp điện cho các khách hàng ở KCN này.
VSIP III - Bình Dương được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải đến quản lý giao thông và an ninh. Việc sử dụng nhiều thiết bị giám sát theo thời gian thực để theo dõi, phân tích và tối ưu hóa hiệu suất từ xa, tăng cường giám sát trực quan trước các hoạt động giúp KCN này trở nên an toàn, hiệu quả hơn với nhà sản xuất và người lao động.
KCN VSIP III - Bình Dương vừa khởi công đã đón nhiều "đại bàng" tới "làm tổ". Trong đó, đáng chú ý là sự có mặt của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) với dự án trên 1,3 tỉ USD. Đây là 1 trong 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Bình Dương tính đến thời điểm này.
LEGO chọn VSIP III - Bình Dương vì nơi này có thể đáp ứng các yêu cầu xanh của tập đoàn. Theo ông Preben Elef, Phó Chủ tịch LEGO, dự án ở Bình Dương khi hoàn thành sẽ là "nhà máy bền vững nhất của tập đoàn trên thế giới về mặt thiết kế và xây dựng; được vận hành với trang thiết bị hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo để bảo đảm sự trung hòa về khí thải carbon".
VSIP I tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương được xây dựng từ năm 1996, là KCN đầu tiên mang thương hiệu VSIP tại Việt Nam
Một chuyên gia kinh tế nhận định bên cạnh việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cao giá trị kinh tế từ sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, VSIP Group còn thành công khi tạo ra những tác động tích cực cho xã hội. VSIP Group đã góp phần cải thiện cuộc sống người dân địa phương khi giải quyết tốt việc làm; góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại các tỉnh, thành có mô hình KCN này hiện diện.
Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng VSIP là một hệ sinh thái đi kèm như khu đô thị, khu dân cư, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại phát triển theo KCN và mô hình đô thị tích hợp. Điều đó giúp hoàn thiện bức tranh kinh tế, thương mại - dịch vụ, tiện ích xã hội cho người dân địa phương và khu vực.
Đóng góp quan trọng cho địa phương
Xuất phát điểm đầu tư KCN VSIP đầu tiên tại Bình Dương thông qua liên doanh, đến nay, đây được xem là sự hợp tác rất thành công giữa địa phương này với Sembcorp.
Ông Kelvin Teo, Giám đốc điều hành Sembcorp Development, đánh giá các dự án VSIP được xem là sự hợp tác hiệu quả cao giữa tỉnh Bình Dương và doanh nghiệp này. Đến nay, các KCN VSIP đã thu hút hơn 860 dự án thuộc 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký lên đến 18 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.
Ngày 29-8-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thực hiện nghi thức khởi công dự án VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2
Ngoài Bình Dương, tại 8 tỉnh, thành mà VSIP hiện diện, các KCN kiểu mẫu này đã thu hút được 584 dự án với tổng vốn đầu tư trên 8,3 tỉ USD, tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động. Trong đó, VSIP Bắc Ninh đã thu hút 123 dự án với tổng vốn đầu tư 2,5 tỉ USD, giải quyết việc làm cho 36.000 lao động. VSIP Hải Phòng có 62 dự án với tổng vốn đầu tư trên 2,4 tỉ USD, giải quyết việc làm cho hơn 51.000 lao động. VSIP ở các địa phương khác như Quảng Ngãi thu hút 815 triệu USD, Hải Dương 400 triệu USD, Nghệ An 260 triệu USD…
Hiếm KCN nào trên cả nước được như VSIP khi có ban quản lý riêng vừa sâu sát, uyển chuyển vừa kịp thời hỗ trợ giải quyết những khó khăn của nhà đầu tư. VSIP còn xây dựng và triển khai chiến lược tiếp thị quốc tế, đào tạo đội ngũ nhân viên năng động đi đến nhiều quốc gia để mời gọi đầu tư.
Chuẩn mực hạ tầng cơ sở của KCN VSIP bảo đảm chất lượng quốc tế là một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư. Cùng với quy tắc "một cửa", những tiện ích phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp luôn được VSIP chú trọng và đáp ứng tối đa như hải quan, viễn thông - đường truyền internet tốc độ cao, trung tâm kho vận, trung tâm y tế, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn…
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, khẳng định cũng như Becamex, VSIP đã có những đóng góp rất tích cực và mang tính quyết định đối với sự phát triển của địa phương trong hơn 25 năm qua. Trước sự thành công của VSIP, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Becamex cùng với Công ty TNHH Liên doanh VSIP nghiên cứu lan tỏa, nhân rộng mô hình KCN này ra các địa phương trên cả nước, góp phần phát triển hệ sinh thái về công nghiệp thế hệ mới.
"Mô hình VSIP khi được lan tỏa ra các địa phương khác sẽ tiếp tục đóng góp cho chính sự phát triển của địa phương đó trong thời gian tới" - ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Với những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, nhiều nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, làn sóng tiêu dùng xanh dần phổ biến…, việc hướng đến sản xuất xanh trở thành xu thế tất yếu, được xem là một mắt xích trong chiến lược tăng trưởng xanh. Trong giai đoạn phát triển mới, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon…, dấu ấn của VSIP lại càng được khẳng định rõ nét và là hình mẫu để các KCN khác sớm chuyển đổi theo.
Thêm 10 dự án tiềm năng
Ông Nguyễn Phú Thịnh cho biết đến nay, thêm 10 tỉnh, thành cam kết hợp tác, làm việc với Sembcorp và Becamex để nghiên cứu tính khả thi khi triển khai đầu tư KCN VSIP.
Các KCN VSIP tiềm năng này gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi II, Hải Dương II và Hải Phòng II.
Bình luận (0)