Kể từ ngày 7-10, mỗi ngày có cả trăm tấn rác từ ngoài biển tấp vào các bãi tắm ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gây nên tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, tham quan, tắm biển của người dân địa phương và du khách.
Mối họa từ biển
Ghi nhận của phóng viên, trong ngày 11-10, từ khu vực bãi tắm Chí Linh đến Bãi Dứa (TP Vũng Tàu) xuất hiện nhiều loại rác, chủ yếu là củi mục, bèo, thân cây súng, đồ nhựa dùng một lần. Đặc biệt, tại khu vực Bãi Sau, hơn 5 km bãi tắm của du khách tràn ngập trong rác.
Đây không phải lần đầu tiên bãi biển Vũng Tàu bị rác đại dương tấn công mà năm nào cũng như thế. Theo người dân địa phương, lượng rác đại dương từ vùng cửa sông Cần Giờ, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây trôi dạt theo gió về đây. Hằng năm, các bãi biển Vũng Tàu phải hứng chịu từ 2 đến 3 đợt rác thải từ đại dương dạt vào, mỗi đợt nhanh thì 3-4 ngày, lâu hơn kéo dài cả tuần với đủ thứ rác. Theo chu kỳ, có 2 đợt rác dạt vào nhiều nhất là cuối tháng 4 đầu tháng 5 khi thời tiết chuyển gió mùa Tây Nam và cuối tháng 9 đầu tháng 10 khi thời tiết chuyển gió từ Tây Nam sang Đông Bắc, kết hợp thủy triều lớn đẩy rác từ khắp nơi trôi về.
Các lực lượng chức năng thu gom rác ở các bãi tắm của Vũng Tàu Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH
Đại diện Công ty CP Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu cho biết do Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Nam Bộ vừa trải qua đợt triều cường đỉnh cao kết hợp gió Tây Nam thổi mạnh làm lượng rác trôi dạt vào tăng hơn so với những năm trước đây. Theo ông Phạm Khắc Tộ, Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch Vũng Tàu, cũng vì lý do này mà sau một ngày dọn dẹp, cứ đến sáng ra là rác mới lại tấp vào.
Do rác thải tấn công, lượng khách tắm biển ở Bãi Sau giảm trong những ngày qua. Anh Trần Kiên, du khách TP HCM, nói rất thất vọng trước việc bãi tắm xinh đẹp này ngập ngụa rác. "Được chủ khách sạn giải thích về nguồn gốc rác, tôi cùng 2 con gái phụ giúp người dân dọn sạch bãi biển. Nếu không có giải pháp nào khắc phục thì hằng năm Vũng Tàu phải nhận lượng rác khổng lồ, lại ảnh hưởng đến chất lượng du lịch" - anh Kiên lo ngại.
Nhiều chủ khách sạn tại khu vực Bãi Sau cũng lo lắng rác thải đại dương tấn công ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. "Nếu là cây gãy, bèo tây thì không nói, đằng này chai lọ rồi đồ nhựa dùng một lần cũng rất nhiều. Khi con người không có ý thức, vứt rác xuống biển, không phải Vũng Tàu thì nơi khác cũng phải hứng chịu thôi" - một chủ khách sạn ở Bãi Sau bày tỏ.
"Chưa có cách gì khả quan hơn"
Trong những ngày qua, chính quyền TP Vũng Tàu phối hợp với nhiều lực lượng kêu gọi người dân, các cá nhân, tập thể cùng chung tay thu gom rác ở các bãi tắm. Hưởng ứng lời kêu gọi, hơn 2.000 người bao gồm Đoàn Thanh niên, sinh viên, học sinh, các lực lượng đóng quân trên địa bàn cùng nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã cùng mang dụng cụ ra biển thu dọn rác. Mỗi ngày, hàng chục tấn rác được thu gom chở về khu xử lý chất thải tập trung của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với sự chỉ đạo rốt ráo từ chính quyền, sự hỗ trợ từ các lực lượng, đến ngày 11-10, hơn 400 tấn rác toàn tuyến biển Vũng Tàu cơ bản đã được dọn sạch. Các hoạt động vui chơi, tắm biển của du khách vẫn được diễn ra.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, khẳng định trong những năm qua, chính quyền TP Vũng Tàu đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện tình trạng xả rác như cấm ăn nhậu, xả rác trên bãi biển, tích cực truyền thông cho người dân hiểu. Nhờ sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, du khách mà tình trạng xả rác đã giảm rõ rệt, các bãi biển ở Vũng Tàu luôn sạch sẽ, làm hài lòng du khách. Tuy nhiên, đối với lượng rác từ đại dương dạt về thì ngoài việc tổ chức thu gom ra không có cách nào khả thi hơn.
"Muốn hạn chế rác thải đại dương tấn công trở lại các bãi biển, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, nói không với vứt rác xuống biển. Đó là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết ô nhiễm rác thải từ đại dương" - ông Thảnh kêu gọi.
Côn Đảo cũng hứng chịu hậu quả
Không riêng gì TP Vũng Tàu, tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) năm nào cũng phải nhận lượng rác khổng lồ từ đại dương, ước tính khoảng 900 m3/năm. Trong đó, khoảng 100 m3 rác thải là dầu cặn, số còn lại chủ yếu rác thải nhựa. Rác tràn ngập trên nhiều bãi biển và rừng ngập mặn, gây ô nhiễm môi trường nơi đây.
Các khu vực tập trung rác đại dương nhiều nhất là bãi Bờ Đập, bãi Dương (hòn Bảy Cạnh); bãi Cát Lớn (hòn Bà); bãi Đầm Trầu, khu vực cuối tuyến bến Đầm, trước vịnh Côn Sơn; bãi Vong; bãi Suối Ớt (hòn Côn Sơn). Tại các hòn khác, rác chỉ tập trung vào mùa gió chướng (gió Đông Bắc, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau). Riêng ở hòn Bảy Cạnh, đến mùa gió chướng, rác dạt vào bãi Bờ Đập, rồi từ tháng 4 đến tháng 9 năm sau (gió Tây Nam) lại tấp vào bãi Cát Lớn.
Mỗi tuần, Ban Quản lý các công trình công cộng huyện Côn Đảo tổ chức thu gom rác 3 lần (vào các ngày thứ hai, tư và sáu), ngoài ra rất nhiều lực lượng, đơn vị tổ chức thu gom rác vào các ngày chủ nhật nhưng với lượng rác càng ngày càng nhiều thì việc thu gom cũng chỉ giải quyết được một phần.
Bình luận (0)