Bộ Công an đang lấy ý kiến của người dân với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về "Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá" trong vòng 2 tháng, từ ngày 22-4.
Giữ lại biển số khi chuyển nhượng xe
Theo Bộ Công an, hiện nay nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích, thường gọi là "biển số đẹp" tùy theo quan niệm của từng người.
Theo dự thảo, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá có thể tùy chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá để tham gia. Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Giá khởi điểm biển số ôtô được đưa ra đấu giá tại Hà Nội, TP HCM bằng 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất áp dụng, các địa phương còn lại bằng 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng. Như vậy, với đề xuất trên và theo quy định hiện hành, giá khởi điểm một biển số tại Hà Nội và TP HCM sẽ là 40 triệu đồng, vì mức lệ phí đăng ký xe tại 2 địa phương này là 20 triệu đồng.
Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở đối với tổ chức, doanh nghiệp hoặc nơi đăng ký thường trú đối với cá nhân. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện.
Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác do mình sở hữu. Nếu thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá. Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá.
Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật như xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu theo quy định. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Tháng 4-2022, một người đàn ông ở Nghệ An bốc thăm ngẫu nhiên được biển số 37A-999.99Ảnh: Hữu Tuyến
Minh bạch trong đấu giá
Nói thêm về dự thảo, đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết trước đây trong đề án đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 người trúng đấu giá được phép sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Phương án 2, cho phép người dân được mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp biển số và thực hiện bằng cách đưa vào luật các quy định về các quyền cụ thể. Tuy nhiên trong thời gian thực hiện thí điểm, cơ quan chức năng đề xuất thực hiện phương án sử dụng biển số trúng đấu giá, chưa cho mua bán, chuyển nhượng.
Về phương án trên của Bộ Công an, ông Phan Duy Linh (34 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết ông ủng hộ việc đấu giá biển số xe, bởi vì việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu người dân, còn mang lại nguồn thu cho ngân sách. Bản thân ông cũng mong muốn có một biển số xe cùng với ngày tháng năm sinh nhưng chưa biết phải kiếm bằng cách nào. "Cơ quan chức năng cần triển khai sớm bởi các nước phát triển đã thực hiện việc này từ rất lâu" - ông Linh góp ý.
Đồng quan điểm của ông Linh nhưng về mặt pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng vấn đề mấu chốt trong đấu giá biển số xe là có xác định biển số xe là tài sản hay không, trên cơ sở đó mới có thể đưa ra những quy định về căn cứ xác lập, quyền của chủ biển xe trong quá trình quản lý, sử dụng sau này. Bởi theo quy định của pháp luật hiện nay thì thủ tục đấu giá được thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản và các luật chuyên ngành.
Cần quy định thêm về thời hạn sở hữu
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trên thực tế hiện nay những xe biển số đẹp có giá rất cao, có thể đến hàng tỉ đồng, thậm chí cả chục tỉ đồng mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Do đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu cụ thể để mang lại lợi ích lớn hơn cho người mua, cho họ "quyền định đoạt".
"Khi đã bỏ ra một số tiền lớn như vậy thì cũng cần quy định về quyền lợi của chủ biển số như quyền tháo ra để gắn vào chiếc xe khác của họ; khi xe bị hư hỏng hoặc họ muốn bán chiếc xe đó thì có quyền giữ lại biển và khi đó cơ quan chức năng phải cấp một biển số mới cho chiếc xe đó; họ có quyền bán lại, nhượng lại biển số xe đó cho tổ chức, cá nhân khác với giá cả thỏa thuận mà không bị hạn chế bởi pháp luật... Cũng cần quy định thêm về thời hạn sở hữu của chủ biển số xe, quyền thế chấp, đặt cọc, cầm cố, bảo lãnh và các quyền khác theo quy định của Bộ Luật Dân sự về quyền tài sản; người trúng đấu giá biển số xe cũng có thể sử dụng biển số xe này để cho thuê, cho mượn trong các giao dịch dân sự, quyền thừa kế... Đây là những quyền rất cơ bản của chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật" - luật sư Cường nêu quan điểm.
Bình luận (0)