Vụ việc bắt đầu khi học sinh này và giáo viên xảy ra mâu thuẫn trong dạy và học. Sau đó, học sinh bị kỷ luật dưới cờ và em phản đối bằng cách tự tử. Vụ việc đã bị dẫn dắt đi quá giới hạn khi giáo viên chủ nhiệm tiếp tục lên Facebook mỉa mai về hành vi của cô học trò. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc và đã xác định có những sai sót của giáo viên trong vụ việc và cả hiệu trưởng cũng bị đình chỉ. Một kết quả đáng buồn cho cả thầy và trò.
Vụ việc đơn lẻ nhưng nó đã phản ánh một vấn đề rất chung là mối quan hệ giữa thầy - trò đã phai nhạt đi sự kính trọng vốn có. Trong môi trường lẽ ra là nơi kế thừa những phẩm chất tốt đẹp từ thế hệ đi trước thì không ít chỗ đã nảy sinh sự so đo và thua đủ. Nhiều nơi khác, sự truyền dạy không còn được xem là thiêng liêng, bởi nó nặng tính sòng phẳng và có thể đo đếm được. Một mối quan hệ khăng khít, cực kỳ quan trọng: gia đình - nhà trường - học sinh thì lại dễ dàng rạn vỡ bởi những sự bất đồng.
Mối quan hệ thiêng liêng trên xấu đi, nguyên nhân không thể đến từ một phía mà nó phải có căn nguyên từ xâu xa hơn, mang tính nền móng của cả ngành giáo dục. Truy ra lỗi của cá nhân sẽ không bao giờ cải thiện được mối quan hệ này và chỉ làm ức chế thêm, buồn bã thêm cho những người làm nghề giáo.
Lòng biết ơn, nhất là trong quan hệ thầy - trò đòi hỏi sự hy sinh và chắt lọc để người học trò dần hiểu được qua quá trình trưởng thành. Xã hội cũng không thể đòi hỏi thầy cô giáo hy sinh vô điều kiện khi mà cơm áo cũng thúc ép họ từng ngày. Còn phụ huynh cũng không thể mãi kỳ vọng vào nhà trường khi mà chính họ cũng chưa dạy được cho con em mình lòng biết ơn đối với người dạy dỗ.
Sự thiêng liêng của nghề giáo đến từ sự tự nguyện và tùy thuộc vào phẩm chất của những người trong cuộc. Ở cấp độ vĩ mô, ngành giáo dục phải thiết kế được môi trường tốt nhất để người thầy tập trung đủ tâm lực truyền đạt kiến thức cho học sinh và cao hơn là hoàn thiện nhân cách để có thể làm tấm gương cho học sinh noi theo. Không ai đủ sự hy sinh và kiên nhẫn với người khác khi cuộc sống cá nhân luôn khốn khó, gia đình mãi bần hàn.
Những năm qua, chúng ta cấp tốc cải thiện môi trường giáo dục, trường lớp khang trang hơn, chương trình được cập nhật, đổi mới, đời sống của giáo viên dần ổn định. Thế nhưng, sự cải thiện này không thay đổi được mối quan hệ thầy - trò và gia đình theo hướng tôn sư trọng đạo như truyền thống vốn có.
Những sự cải cách trong giáo dục đều có thể quy ra tiền và được đong đếm cụ thể. Học chương trình mới: trả tiền, học phòng học mới: trả tiền, học phụ đạo: trả tiền, học kỹ năng: trả tiền, vào đại học: trả tiền... tất tần tật. Mà nói đâu xa, từ năm 2018, học phí đã được thu theo Luật Giá, gọi là giá dịch vụ giáo dục - đào tạo. Rất sòng phẳng, không có một chỗ trống nào cho lòng biết ơn.
Bình luận (0)