Chiều 13-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án: Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng thẳng thắn đánh giá có tình trạng lạm dụng "mật" nhiều năm qua. Tại sao xem sức khỏe của lãnh đạo Đảng, nhà nước là thông tin bí mật nhà nước. Nếu bí mật thì phải có biện pháp bảo vệ thông tin chứ không để thông tin lọt ra ngoài trái chiều, khác nhau. Như vừa rồi sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại sao không công khai để người dân biết mà cứ để trên mạng, ngoài xã hội đồn thổi?
"Sinh lão bệnh tử là quy luật bình thường, tuổi 60 bệnh tật cũng là thường. Đến khi hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện rạng ngời, khỏe mạnh thì ngay lập tức đập tan dư luận, nếu công bố sớm hơn thì tránh kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc" - ông Dũng góp ý và nói thẳng là nhiều thông tin họp kín, họp quan trọng của Đảng, nhà nước... cũng bị rò rỉ. Vì thế, phải tính toán về tính công khai và biện pháp bảo vệ, định hướng thông tin để tránh bị lợi dụng.
Đại biểu Tô Lâm khẳng định không ứng dụng tiến bộ của internet thì rất lạc hậu Ảnh: Đình Nam
Đại biểu (ĐB) Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng thực tiễn lộ, lọt bí mật nhà nước, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến nên việc xây dựng luật này là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ quy định danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay "mật hóa" văn bản để bưng bít thông tin.
ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP HCM) khẳng định không có mạng internet là không được. Vấn đề là phải vừa bảo đảm an toàn vừa bảo đảm sự tự do sáng tạo của con người trên không gian mạng. Cụ thể, với đề nghị đang gây nóng dư luận là các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet… đặt máy chủ tại Việt Nam, dự thảo Luật An ninh mạng không diễn giải rõ ý này nên không biết hiểu theo cách nào. Với cách diễn giải bao trùm thì Google, Facebook, Amazon... đều phải đặt máy chủ ở Việt Nam là không ổn vì chẳng lẽ Facebook có mặt ở 200 nước thì phải đặt máy chủ ở 200 nước?
Phát biểu tại tổ, ĐB Tô Lâm (Bắc Ninh), Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết các dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng rất quan trọng, là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước nhưng cũng liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đây là vấn đề rất khó, không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới. Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia chưa công khai thì phải bảo mật. Cũng có thể vấn đề này hôm nay là bí mật quốc gia nhưng ngày mai không phải vì đã được xử lý. Quan trọng là mọi người dân đều hiểu ranh giới đó để vận dụng vào thực tiễn. Tránh trường hợp không biết đâu là bí mật để bảo vệ.
Không cản trở internet nhưng phải làm chủ
Bộ trưởng Tô Lâm thẳng thắn cho rằng vấn đề mạng đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội, không chỉ là an ninh chung của quốc gia mà còn cả bí mật đời tư của người dân tham gia hoạt động trên không gian mạng. Do vậy, không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì bảo đảm an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, cuộc chơi chung thường bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh, nếu không làm chủ được công nghệ. Do đó, phát triển đến đâu phải bảo đảm an ninh, an toàn đến đấy. Không một cơ quan nào có thể đứng ra bảo đảm được mà phải toàn xã hội cùng góp sức.
Bình luận (0)