Ngày 13-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu". Đồng chủ trì hội nghị với Thủ tướng Chính phủ còn có ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, còn có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, đại diện các viện nghiên cứu, trường ĐH, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn
Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, nhận định: "Việc ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP (NQ 120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo thúc đẩy, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp cùng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng ĐBSCL và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Dù thời gian thực hiện NQ 120 chưa dài nhưng sau 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả như: kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một thể thống nhất, kết nối vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Nhiều cơ chế, chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL. Trong đó ưu tiên một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng kỹ thuật, môi trường; nông nghiệp và môi trường thuỷ sản, chế biến thực phẩm và các dịch vụ liên quan…".
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đó, chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với BĐKH thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên. Tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, đo mưa tự động...
Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Năm 2020, nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi khi đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỉ USD (tăng 11,2% so với năm trước).
Sau 3 năm thực hiện NQ 120, diện tích nuôi thuỷ sản của ĐBSCL tăng từ 860.000 ha lên 900.000 ha. Ảnh: Ngọc Trinh
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương khoảng 162.000 tỉ đồng. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng khoảng 121.600 tỉ đồng.
Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng ĐBSCL khoảng 388.000 tỉ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến cho ĐBSCL khoảng 388.000 tỉ đồng để hoàn thành nhiều công trình trọng điểm.
Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỉ USD.
Với quy mô vốn như vậy, sẽ hoàn thành được các công trình, như: đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa.
Bình luận (0)