Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ (NQ 120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), do Thủ tướng chủ trì dự kiến diễn ra vào ngày 13-3 tại TP Cần Thơ. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, NQ 120 từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng. Hội nghị lần này là dịp để Chính phủ và các địa phương trong vùng đánh giá hiệu quả thực hiện bước đầu, tìm giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa nghị quyết này trong thời gian tới.
Tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô ở một số địa phương ĐBSCL dần được cải thiện .Ảnh: NGỌC TRINH
Nhiều thành quả về hạ tầng
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện chủ trương kết nối liên vùng về hạ tầng và kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan tỏa phát triển vùng TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với ĐBSCL, bao gồm xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng để giải quyết bài toán tổng thể để kết nối. Nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đầu tư thực hiện với tổng số vốn trung ương đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã giao giai đoạn 2016-2020 là 29.426 tỉ đồng. Đến nay đã hoàn thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối Cần Thơ với Kiên Giang; nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như: cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…
Canh tác lúa thôngminh để thích ứng với biến đổi khí hậu đang được nhiều địa phương ở ĐBSCL áp dụng Ảnh: NGỌC TRINH
Bên cạnh đó, Chính phủ đã quan tâm tăng cường đầu tư thực hiện nhiều dự án thủy lợi, dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL.
Định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành.
Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.
Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, đặc biệt năm 2018 đạt 7,8% (cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,08% của cả nước); 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của vùng đạt mức ấn tượng là 7,9% - cao nhất trong 4 năm, tạo tiền đề cho tăng trưởng những năm tiếp theo. NQ 120 của Chính phủ thường được gọi với cái tên là NQ "thuận thiên".
Mô hình kinh tế "thuận thiên"
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện NQ 120, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Nhiều địa phương ở Đồng Tháp chuyển đổi đất lúa sang trồng sen để vừa tăng thu nhập, vừa phục vụ du lịch Ảnh: NGỌC TRINH
Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương thuận thiên là đúng đắn, chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.
Cà Mau là một trong những tỉnh ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, sụt lún, sạt lở… Sau 3 năm thực hiện NQ "thuận thiên", bằng sự quyết tâm của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Cà Mau đã hạn chế tối đa các thiệt hại do ảnh hưởng của BĐKH gây ra.
Nổi bật là nhiều mô hình thích ứng với mọi điều kiện thời tiết cực đoan đã được triển khai có hiệu quả như: Nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước; nuôi tôm sú thâm canh xen canh cá đối mục; nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi; nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học; lúa - tôm; nuôi tôm rừng kết hợp nuôi sò huyết; canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH; nuôi gà an toàn sử dụng đệm lót sinh học; mô hình nuôi vịt biển thích ứng với BĐKH…
Nông dân ĐBSCL thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa Ảnh: THỐT NỐT
Cũng trong vài năm qua, Cà Mau đầu tư 1.714 công trình, xây dựng hơn 200 cống các loại để điều tiết nước phục vụ sản xuất thuộc 18 tiểu vùng Nam Cà Mau và 5 tiểu vùng Bắc Cà Mau, với mức vốn bình quân 500 tỉ đồng/năm; đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài 23.667 m, tổng mức đầu tư hơn 652 tỉ đồng; tạo được bãi bồi ven biển phía trong và ngoài kè để khôi phục rừng phòng hộ hàng trăm ha, bảo vệ đê biển. Đầu tư xây dựng hoàn thành trên 15 km tuyến đường bê-tông cốt thép kết hợp đê biển Tây với kinh phí 150 tỉ đồng; đang triển khai xây 30 km tuyến đường bê-tông cốt thép kết hợp đê biển Tây (đoạn từ Khánh Hội về Sông Đốc) với kinh phí 300 tỉ đồng. Tỉnh cũng xây dựng hàng loạt khu tái định cư di dời khẩn cấp dân cư trong vùng sạt lở nguy hiểm…
Kim chỉ nam giúp ĐBSCL phát triển
Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, lãnh đạo tỉnh này đã ban hành nhiều quyết định để thực hiện NQ 120, qua đó đạt được những kết quả khả quan như: tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh từ năm 2017-2020 đạt bình quân 9,98%/năm, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 101.227 tỉ đồng... Về liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện đề án "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL" gồm các tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang.
Ngoài ra, nhờ thực hiện NQ 120, tỉnh Trà Vinh cũng đang chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Toàn tỉnh có 17.596 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 4,72% diện tích sản xuất nông nghiệp); xây dựng và duy trì được 26 nhãn hiệu nông sản tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Duy trì và mở rộng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo tiểu vùng ngọt và ngọt hóa, sản xuất cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày cũng đã hình thành được một số vùng chuyên canh tập trung. Điển hình như sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang, Cầu Kè với diện tích 1.020 ha lúa; có 142 ha sản xuất rau an toàn, 391,75 ha cây ăn trái đạt chứng nhận GAP…
Tại tỉnh Bến Tre, các ngành, các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa NQ 120 bằng việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH. Trong 3 năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng chất lượng và hiệu quả.
Ngoài ra, các mô hình sản xuất hữu cơ như mô hình tôm lúa, tôm rừng, dừa hữu cơ được thực hiện thí điểm và nhân rộng, vừa mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân vừa thích nghi với tình hình BĐKH.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ), nhận định: Về sản xuất nông nghiệp - thủy sản thì địa phương nào cũng có các chuyển đổi về sản xuất, thay đổi tư duy. Tỉnh nào hay ngành nào cũng đang điều chỉnh kế hoạch/quy hoạch của tỉnh/ngành theo tinh thần NQ 120. Hiện nay, nông dân cũng nghĩ tới việc tăng giá trị nông sản, bằng chứng là một số nơi áp dụng thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Chương trình OCOP là sản xuất theo tự nhiên tạo ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhiều địa phương và công ty du lịch chuyển hướng qua loại hình du lịch sinh thái và văn hóa truyền thống. NQ 120 như một kim chỉ nam giúp ĐBSCL phát triển theo hướng thuận thiên.
(Còn tiếp)
Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL:
Bộ ba chính sách vàng
NQ 120 cùng với Luật Quy hoạch 2017, Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng là một sự hội tụ hiếm có về chính sách. Có thể nói, đây là "bộ ba chính sách vàng" mang lại vận hội mới rất quý để phát triển mang tính thực chất, bền vững về lâu dài cho ĐBSCL. Chính sách tốt là một chuyện, chất lượng của việc thực hiện là một chuyện khác. Do đó, thay vì nghĩ rằng cần làm gì để thúc đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả NQ 120, chúng ta làm sao để những chính sách tốt như thế không bị thực hiện theo kiểu "dục tốc" để thành "bất đạt". Ngoài việc cả 3 chính sách này đều ở tầm chiến lược, đòi hỏi phải có những kế hoạch cụ thể của từng địa phương để thực hiện.
GS-TS VÕ TÒNG XUÂN, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ:
Phao cứu sinh cho nông dân
NQ 120 ra đời như phao cứu sinh cho nông dân ở vùng ĐBSCL vì họ không còn phải tập trung sản xuất lúa như trước đây. Điều đáng mừng là hiện nay có hơn 120.000 ha đất ở vùng ven biển đã chuyển sang mô hình lúa - tôm rất hiệu quả trong điều kiện BĐKH và xâm nhập mặn. Có một số nơi nông dân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mè để tiết kiệm nước tưới tiêu và có giá trị kinh tế cao hơn. Thậm chí, có nơi nông dân bỏ lúa trồng sen hoặc lên liếp trồng cây ăn trái.
Bình luận (0)