Theo chương trình kỳ họp thứ 5, trong 2 ngày 31-5 và 1-6, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Trong giai đoạn này, đầu tư công được xem là một trong những động lực chính để phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
. Phóng viên: Thưa đại biểu, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm nay còn chậm. Áp lực hoàn thành mục tiêu giải ngân cả năm đạt 700.000 tỉ đồng dồn vào những tháng cuối năm. Ông nhìn nhận sao về vấn đề này?
Đại biểu TRẦN VĂN LÂM
- Đại biểu TRẦN VĂN LÂM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Tình trạng "có tiền không tiêu được" vẫn tiếp tục diễn ra. Chi đầu tư xây dựng cơ bản đang chậm dù có vốn. Có những bộ, ngành, địa phương đã phân bổ vốn nhưng vẫn chưa giải ngân được. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4-2023, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 14,66% kế hoạch. Chỉ có 3 bộ và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 20%; có 47 bộ, cơ quan và 27 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Cá biệt có 32 bộ, cơ quan và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.
Nguồn vốn chậm đưa vào phục vụ nền kinh tế đã làm hạn chế tốc độ tăng trưởng, không tạo được động lực cho sự phát triển của các lĩnh vực. Trong khi nguồn vốn chậm giải ngân thì chúng ta vẫn phải đi vay và trả lãi, đó là sự lãng phí.
Tuy vậy, việc sử dụng ngân sách phải tuân thủ quy định. Nếu nóng vội đưa tiền vào nền kinh tế mà không phát huy được hiệu quả thì gây ra lãng phí hơn. Cần có cái nhìn toàn diện trong việc triển khai giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, song tình trạng chậm giải ngân cần sớm được khắc phục.
. Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công có phải do vướng mắc về cơ chế, chính sách, thưa ông?
- Hệ thống pháp luật hiện nay cơ bản không có vướng mắc lớn song vẫn cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian chuẩn bị, triển khai dự án. Mỗi bước đều được rút ngắn thì thực hiện toàn bộ dự án sẽ thuận lợi hơn.
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục, quy trình. Một số dự án luật như Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)... được đưa vào xem xét, sửa đổi ở kỳ họp này theo hướng tăng cường quản lý nhưng giảm bớt yêu cầu rườm rà, không cần thiết. Ở tầm nhìn xa hơn, Luật Ngân sách Nhà nước cũng sẽ được xem xét, nghiên cứu để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Dự án đầu tư công xây dựng cầu Vĩnh Tuy (TP Hà Nội) giai đoạn 2 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: HỮU HƯNG
. Không có vướng mắc lớn về cơ chế nhưng kết quả giải ngân ở các bộ, ngành, địa phương lại rất khác nhau. Ông có thể phân tích lý do?
- Chúng tôi đã có tổng kết, đánh giá cơ bản về điều này. Về mặt chủ quan, có trách nhiệm của cơ quan chức năng trong khâu phân bổ vốn, chuẩn bị dự án, thi công và thanh - quyết toán.
Điều này liên quan đến năng lực quản lý, triển khai của từng cá nhân, tổ chức. Về mặt khách quan, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau nên tiến độ giải ngân cũng khác. Chẳng hạn, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở địa phương có giá đất không cao, mật độ dân số thấp... sẽ đơn giản hơn những địa phương "tấc đất tấc vàng", đền bù phức tạp như TP HCM, Hà Nội. Khâu đền bù, giải phóng mặt bằng nếu được thực hiện nhanh sẽ thúc đẩy tiến độ triển khai nói chung.
Tuy thế, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý về đất đai ở một số địa phương chưa tốt, hồ sơ không rõ ràng, mạch lạc, thậm chí xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, dẫn đến việc đền bù, thu hồi, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
. Với vai trò là cơ quan lập pháp, QH đã có cơ chế, chính sách nào nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?
- Thời gian qua, QH đã cho thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù ở một số địa phương, trong đó có thí điểm ở lĩnh vực đầu tư công. Ở các kỳ họp trước, QH cũng đã cho phép Chính phủ khi triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, được phép chỉ định thầu đối với một số gói thầu để rút ngắn thời gian thực hiện. Từ đó sẽ có tổng kết, đánh giá để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư công.
Nhiều ý kiến đề xuất sửa các luật để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư công nhưng việc sửa luật không đơn giản, không thể làm trong thời gian ngắn. Sốt ruột thì ai cũng sốt ruột song chúng ta phải kiên trì trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật.
Tại kỳ họp này, QH đang cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM, trong đó có đề cập chính sách về giải phóng mặt bằng. Cụ thể, cho TP HCM sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập vào việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận, các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. Từ đây có thể thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất đế đấu giá lựa chọn nhà đầu tư vào các dự án phát triển đô thị. QH luôn đồng hành với Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Chậm báo cáo việc giao vốn
Theo Ủy ban Kinh tế, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn cho một số nhiệm vụ, dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Số vốn chưa giao kế hoạch khoảng 14.151 tỉ đồng đã không được báo cáo Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến đúng thời hạn, dẫn đến không được tiếp tục phân bổ nguồn vốn. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Bình luận (0)